5fc238_89c2c28ee3a64f208e44bb8b49eecd83.jpg_srz_913_462_85_22_0.50_1.20_0

Luôn luôn xem hữu tình Chúng sinh là thân thương và quý báu

Đoạn kệ 1: Luôn luôn xem hữu tình chúng sinh là thân thương và quý báu

Bằng cách nghĩ về tất cả hữu tình chúng sinh
Quý báu hơn cả viên ngọc như ý
Để đạt được mục đích cao nhất
Nguyện con luôn xem họ là thân thương,
Và nỗ lực vì lợi lạc của họ.

Mỗi hành giả Pháp chân chính cần luôn luôn giữ ước nguyện chẳng hạn: ‘Tôi sẽ nghĩ về mọi hữu tình chúng sinh trong tam giới’ hay ‘về vô số hữu tình chúng sinh đang trôi lăn trong luân hồi, còn quý báu hơn cả viên ngọc như ý. Vì lý do này, tôi quyết tâm nỗ lực vì lợi lạc rốt ráo và an lạc của mọi hữu tình chúng sinh, người mà tôi sẽ luôn xem là thân thương và quý báu. Tôi sẽ hân hạnh làm điều này’.

Viên ngọc như ý chỉ có thể trao tặng cho chúng ta những lợi lạc tạm thời, chẳng hạn kho tàng của cải và tiền bạc. Nó không có sức mạnh trao cho chúng ta lợi lạc lớn nhất, đó là Niết bàn rốt ráo. Vì điều này, chúng ta có thể hướng về vô lượng hữu tình chúng sinh, những vị mà tự thân tạo thành cánh đồng công đức thù thắng. Nếu chúng ta gieo hạt giống Bồ đề trên cánh đồng màu mỡ này, nó sẽ cho chúng ta vụ mùa của hạnh phúc thế gian tạm thời trong ngắn hạn, cũng như hạnh phúc rốt ráo, siêu việt, sau cùng.

Ví dụ, về bố thí ba la mật, một trong sáu ba la mật: nếu không có hữu tình chúng sinh, sẽ chẳng có đối tượng cho sự hành trì bố thí, nghĩa là chẳng có cách nào để chúng ta tiến hành hành động bố thí. Về trì giới ba la mật, bởi những cảm xúc phiền não khởi lên bởi hữu tình chúng sinh, sẽ chẳng có cách nào để trì giới được thực hiện để chống lại các cảm xúc phiền não nếu không có con người nào liên quan. Hơn thế nữa, trong trường hợp của nhẫn nhục ba la mật, như Bồ Tát Tịch Thiên từng nói: “Nhẫn nhục ba la mật không đến khi không có nguy hại”. Nếu không có hữu tình chúng sinh cảm thấy thù ghét, sẽ chẳng có nhẫn nhục siêu việt nào có thể được thực hành, cũng chẳng thể có công đức của nhẫn nhục siêu việt. Danh sách vẫn tiếp tục; các ba la mật của sự tinh tấn, thiền định và trí tuệ chỉ có thể được viên thành nhờ nương tựa hữu tình chúng sinh. Nếu không có hữu tình chúng sinh, chẳng thể hoàn thiện sáu ba la mật và mười nghìn hoạt động của một Bồ Tát, và vì thế đạt được Phật quả vô song sẽ chỉ là giấc mơ xa vời không thể chạm đến. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực để hoàn thành cả mong ước tạm thời và rốt ráo của hữu tình chúng sinh thông qua các thực hành tâm linh, thứ bao gồm việc giữ tâm yêu thương và quan tâm với hữu tình chúng sinh, trong từng phút, từng giây của đời sống hàng ngày. Các hành giả với những phẩm tính như vậy có thể được xem là sở hữu tâm từ và bi thực sự; tâm như vậy là sự hiển bày đích thực của tinh thần Bồ Tát thừa, được biết đến là Bồ đề tâm.

Chư đạo sư Kadampa vĩ đại trong quá khứ, như Đức Geshe Langri Tangpa, có sự trì giới cao quý và tính cách thiện lành. Đây là những điều mà hành giả Đại thừa ngày nay cần nỗ lực học hỏi. Nếu không, mong ước trở thành một vị Bồ Tát hay một vị Phật, sẽ chỉ là từ ngữ trống rỗng. Thật đáng tiếc khi trong xã hội ngày nay, phần lớn mọi người, bất kể họ là Phật tử hay không, thiếu đi tính cách cao quý, chứ đừng nói đến Bồ đề tâm Đại thừa!

Thậm chí trong số những hành giả Phật giáo tận tụy, có những vị bày tỏ thái độ cực kỳ sai lầm với hữu tình chúng sinh. Một mặt, trong khi họ có thể thường đối xử với hữu tình chúng sinh bằng sự sân hận và thù ghét, hay thậm chí hành xử như thể hữu tình chúng sinh là kẻ thù của họ, trong khi mặt khác, họ có thể nuôi dưỡng trong tâm sự kính trọng và tôn kính chư Phật và Bồ Tát. Bồ Tát Tịch Thiên, trong bộ luận Nhập Bồ Tát Hạnh (Bodhicaryavatara) nghi ngờ hành vi này bằng cách hỏi rằng, “Kiểu thực hành nào mà chỉ tôn kính chư Phật, chứ không phải hữu tình chúng sinh?”. Các chỉ dẫn như – “Con chỉ nên kính trọng chư Phật và Bồ Tát, chứ không phải hữu tình chúng sinh” – không bao giờ có thể được tìm thấy trong bất cứ giáo lý Phật Đà nào. Bồ Tát Tịch Thiên chỉ trích hành vi sai lầm này bằng cách đưa ra câu hỏi tu từ như vậy.

Nếu người ta không thể xoay sở để làm một hành động lớn lao như “hoàn thành những mong ước của hữu tình chúng sinh và luôn xem họ là thân thương và quý báu” – dù họ có thể mong cầu Giáo Pháp khắp nơi, thực hành của họ chắc chắn sẽ chẳng được đáp lại bằng sự thành công. Có một câu chuyện để minh họa điều này trong Kinh điển:

Ngày xưa, có một người cha và con trai sở hữu viên ngọc như ý. Ngày nọ, khi họ đang đi du hành, người cha mệt và muốn nghỉ một chút. Trước khi nằm xuống, ông ấy nói với con trai rằng: “Hãy để ý đến viên ngọc như ý, và trong lúc bố nghỉ, chắc chắn đừng đưa nó cho ai”. Chẳng mấy chốc, người cha nhắm mắt và thiếp đi. Không lâu sau, một nhóm trộm cướp xuất hiện. Thấy người con cầm viên ngọc như ý, họ yêu cầu cậu bé đưa nó. Đứa bé đáp: “Tôi không thể trao nó bởi trước khi đi ngủ, bố tôi đã bảo không được trao nó cho ai khác”. Một trong những tên trộm lục tìm trong túi và lấy ra một gói kẹo và lấy một cái kẹo ngọt cho cậu bé. “Viên đá sáng mà cháu đang cầm là vô ích, nhưng đống kẹo này rất ngon và cháu có thể ăn ngay bây giờ. Nào, hãy trao đổi”. Đứa bé háo hức nhìn vào túi kẹo trong tay tên trộm và chỉ chần chừ một chút, đã trao viên ngọc như ý để đổi lấy túi kẹo. Khi người cha tỉnh lại và biết rằng con trai đã đổi tất cả những tài sản diệu kỳ của viên ngọc như ý để lấy túi kẹo bình thường, ông rất đau buồn và thất vọng.

Thực hành Pháp cũng giống như vậy: khi bạn từ bỏ nguyên tắc quan trọng của nó, dù cho bạn nhận được vài sự an lành nhỏ bé, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra những lợi lạc lớn lao nhất. Ví dụ, nếu bạn đánh giá một hữu tình chúng sinh là thấp kém và người khác là không hấp dẫn, nếu bạn cảm thấy sân hận hay thù ghét với họ, bạn đã từ bỏ Bồ đề tâm và thứ được gọi là sự hành trì của bạn sẽ mang lại rất ít, nếu không muốn nói là không có, công đức thực sự.

Khi chúng ta đọc tiểu sử của chư đạo sư tâm linh vĩ đại ở Ấn Độ, Tây Tạng hay Trung Hoa, trong quá khứ hay hiện tại, chúng ta thấy rằng tâm trí và hành vi của chư vị, không ngoại lệ, rõ ràng hiển bày lòng đại bi luôn chăm sóc mọi hữu tình chúng sinh và mong muốn hoàn thành ước nguyện của họ. Bởi vậy, ở đây chúng ta có thể thấy rằng đoạn kệ này nói về chỉ dẫn cốt tủy rốt ráo và thù thắng nhất trong thực hành Đại thừa, về việc làm lợi lạc hữu tình chúng sinh.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.