tarawp1

Đẩy lùi phiền não ngay khi chúng khởi lên

Đoạn kệ 3: Đẩy lùi phiền não ngay khi chúng khởi lên

Trong mọi hành động của con,
Nguyện con kiểm soát tâm thức,
Và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên
Bởi chúng đe dọa con và người khác
Nguyện con dũng mãnh đối mặt và đẩy lùi chúng.

[Đoạn kệ này nghĩa là:] Trong mỗi hành động, lời nói và hành vi trong đời sống hàng ngày, con sẽ quán sát tâm mình và ngay khi những phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên, bởi chúng gây hại cho chính con và người khác, con sẽ tìm ra và chống lại chúng một cách nhanh chóng và vững chắc đẩy lùi chúng không chậm trễ.

Trong cõi Ta Bà này, mỗi hữu tình chúng sinh đều có những phiền não về tinh thần và cảm xúc, nhưng về nguyên nhân gốc rễ của những phiền não hay lỗi lầm này, cả Phật giáo Kinh thừa và Mật thừa đều có những giảng giải tương ứng. Trong giáo lý Kinh thừa, gốc rễ của khổ não hay phiền não cảm xúc, là những yếu tố tinh thần không tốt và vô minh. Trong giáo lý Mật thừa, các điều kiện phụ thuộc của tâm, làm khởi lên bám víu nhị nguyên, là những cơn gió nghiệp vi tế hay tinh dịch, máu và năng lượng khí vi tế, từ đó các thói quen tập khí của sự chuyển di “ba hình tướng” dựa trên. Kết quả là, truyền thống Kinh thừa và Mật thừa có những cách thức khác nhau trong việc đối phó với phiền não tinh thần và cảm xúc: con đường Kinh thừa biến các nguyên nhân thành thực hành Pháp và con đường Mật thừa đưa những kết quả thành con đường. Bây giờ, tôi sẽ không đi vào chi tiết của sự khác biệt này.

Đức Aitsha kế thừa những ý định của Bồ Tát Vô Trước và Đức Jetsun Langri Tangpa mang phong cách của Tổ Atisha. Tổ Atisha thường chỉ ra rằng: “Nếu một người mong cầu Giáo Pháp nhưng không áp dụng nó trong việc đối trị lại những phiền não cảm xúc hay khổ não, thực hành của anh ta sẽ vô ích”. Nếu mục đích nghiên cứu Giáo Pháp và thực hành tâm linh không hướng về việc tiêu trừ các phiền não tinh thần và cảm xúc, thì phương pháp đối trị nào mà chúng ta sẽ dùng để tiêu trừ chúng?”. Ở đây, chỉ dẫn cốt tủy của Geshe Langri Tangpa là quán sát và kiểm tra tâm trong mọi kiểu hoạt động, chẳng hạn ngồi, đứng, nằm hay đi, để xem liệu nó có trong trạng thái tích cực, tiêu cực hay trung lập. Nếu nó ở trong trạng thái tiêu cực, điều gì trong năm khổ não độc hại mà nó làm khởi lên? Nó có đến và đi nào hay không? Nó có hình dạng, màu sắc hay bản tính cố hữu không? Bằng cách lặp lại nhiều lần và cẩn thận quán sát dòng tâm thức theo cách như vậy, một người thông minh sẽ có thể đối mặt với các phiền não tinh thần và cảm xúc bằng sự tỉnh thức và cảnh giác. Khi các cảm xúc tiêu cực hay tư tưởng xấu khởi lên, anh ta sẽ từ bỏ chúng ngay lập tức và sám hối với sự ăn năn sâu sắc. Nhưng người thiếu trí tuệ làm ngược lại: anh ta không thể biết điều gì tốt hay điều gì xấu và thậm chí còn nhầm lẫn giữa cả hai; kết quả là, anh ta không thể tự mình sửa chữa các phiền não tinh thần.

Các phiền não tinh thần và cảm xúc của chúng ta khởi lên trong tâm. Tuy nhiên, nếu tâm không khởi lên những phiền não này, dù cho chúng ta gặp phải nghịch cảnh, chẳng hạn bệnh tật hay sự tàn tật vật lý, chúng ta sẽ không thể bị nguy hiểm. Y khoa và sinh lý học hiện đại cũng tin rằng khổ đau và hạnh phúc được quyết định chủ yếu bởi trạng thái tinh thần. Khi người ta hạnh phúc, thậm chí nhận thức về đau đớn vật lý cũng suy giảm. Mặt khác, nếu người ta chìm trong khổ đau tinh thần, cảm giác đau đớn vật lý được trải nghiệm còn mạnh mẽ hơn.

Người ta tin rằng, trong Phật Pháp, khổ não là sự hiển bày của các thói quen tập khí trong tâm và có thể được tiêu trừ hoàn toàn nhờ những phương pháp nhất định. Ví dụ, trong tứ chúng học trò người Hoa, một số có tính cách bướng bỉnh, với những phiền não tinh thần và cảm xúc mạnh mẽ, lúc họ mới đến Phật học viện. Sau một khoảng thời gian nhất định, nhờ lắng nghe Giáo Pháp, quán chiếu và thiền định, họ trở nên chân thành hơn, có tính cách tốt hơn và trí tuệ tăng trưởng dần dần. Cùng với đó, phiền não tinh thần và cảm xúc của họ suy giảm. Tuy nhiên, khi họ ít chú ý hơn đến phương pháp đối trị, phiền não trước kia và các tập khí dần dần xuất hiện trở lại. Nếu họ có thể giữ sự hành trì với sự tinh tấn và bền bỉ, theo thời gian, tâm họ dần dần được điều phục và các cảm xúc phiền não mạnh mẽ được đưa vào con đường. Đây là điều gì đó được trải nghiệm bởi mỗi hành giả trong quá trình thực hành tâm linh.

Ở đây, “khi phiền não tinh thần và cảm xúc khởi lên” nghĩa là, ngay khi một cảm xúc gây rối, chẳng hạn sân hận, khởi lên trong tâm, chúng ta phải dập tắt nó ngay lập tức và đẩy lùi nó không chậm trễ. Như Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo có nhắc đến:

“Cảm xúc phiền não thói quen rất khó để ngăn cản nhờ hành động chống lại.
Được trang bị các phương pháp đối trị, những vị bảo vệ của sự tỉnh thức và cảnh giác,
Phá hủy các cảm xúc phiền não, chẳng hạn tham, ngay khi chúng khởi lên.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Nếu các cảm xúc phiền não không bị cắt đứt ngay khi chúng khởi lên, chúng sẽ làm hại chúng ta và người khác. Ví dụ, khi chúng ta gặp kẻ thù, ngay từ đầu, chúng ta cần quán chiếu rằng, người này, giống như mọi hữu tình chúng sinh, có Phật tính; vì thế, anh hay cô ta cần được đối xử ngang bằng. Nếu chúng ta không khởi lên ý nghĩ hay sự quán tưởng này, ngay từ đầu, trước khi chúng ta bắt đầu cãi cọ và đạt đến đỉnh cao của sự sân hận, chúng ta sẽ không thể chống lại với các cảm xúc phiền não nhờ sự tỉnh thức và cảnh giác. Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche cũng nói rằng: “Nếu một cảm xúc làm phiền nhiễu không được chống lại ngay khi nó khởi lên, khi nó đã phát triển đến một mức độ, sẽ thật khó khăn để điều phục”. Mặc dù trong Đại Viên Mãn (Dzogchen) vô song có nhắc rằng: “Hãy mang những phiền não vào con đường, bản tính cố hữu của phiền não là Bồ đề và tất cả (hiện tượng) là thanh tịnh và bình đẳng”, là con người, nhận thức của chúng ta bị nhiễm ô. Điều duy nhất chúng ta có thể làm, có lẽ, là phát khởi một nguyện ước trong tim, và cầu nguyện rằng chúng ta sẽ đạt được trạng thái tâm linh trong đó, phiền não được đưa vào con đường và mọi hiện tượng trở nên thanh tịnh và bình đẳng, càng nhanh càng tốt. Cùng lúc, trong hành động, chúng ta cần hành xử dựa trên quan điểm Kinh thừa của giai đoạn nguyên nhân, phá hủy năm độc, tức tham, sân, si, kiêu mạn và đố kỵ. Nếu không, chỉ một khoảnh khắc sân hận cũng đủ để phá hủy công đức mà chúng ta đã tích lũy và gây hại cho cả bản thân và người khác; một khoảnh khắc của sự tham luyến mạnh mẽ cũng đủ để phá hỏng sự trì giới của chúng ta, cũng như của người khác.

Vì thế, chúng ta cần xem xét tâm mình, lúc này sang lúc khác, và thường xuyên đẩy lùi những tư tưởng xấu ác của bản thân. Trước đây, bất cứ khi nào chư đạo sư Kadampa vĩ đại khởi lên ý niệm xấu, chư vị sẽ ngừng ăn và uống, và quở trách bản thân hay thậm chí đánh đập chính mình, để điều phục phiền não tinh thần. Chỉ dẫn cốt tủy này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nó cực kỳ sâu xa. Mỗi hành giả Đại thừa cần nương tựa vào chỉ dẫn cốt tủy này và liên tục thực hành điều này một cách tinh tấn sử dụng ba cánh cửa của thân, khẩu và ý.

Ở đây, điều cần đặc biệt nhấn mạnh là chúng ta cần chú ý đến và kiểm tra lời nói của chính mình và từ bỏ việc nói lỗi lầm của người khác. Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo nói rằng:

“Bởi ảnh hưởng của các cảm xúc phiền não,
Nếu con chỉ ra lỗi lầm của một vị Bồ Tát khác,
Chính con sẽ bị suy giảm,
Vì thế đừng nhắc đến những lỗi lầm của các vị đã bước vào Đại thừa.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Nếu chúng ta nói về lỗi lầm của người khác, chúng ta đã phạm giới của Bồ Tát. Phần lớn mọi người ở đây đã thọ giới Bồ Tát và là hành giả đã phát khởi Bồ đề tâm Đại thừa, vì thế, có thể bất cứ điều gì mà họ làm và cách mà họ hành xử, đang phù hợp với phương tiện thiện xảo của chư Bồ Tát nhằm giúp đỡ hữu tình chúng sinh. Bởi vậy, chúng ta không nên nhận xét một cách cẩu thả, cũng không nên nhắc đến lỗi lầm của người khác. Đấng Chiến Thắng (Đức Phật) tuyên bố rõ ràng rằng: “Rất ít người có thể hiểu được thiên hướng và căn cơ của hữu tình chúng sinh, ngoài chư Phật”. Nếu chúng ta là Phật, chúng ta có thể chỉ ra lỗi lầm của người khác một cách trực tiếp, nhưng mọi người, xin hãy tự hỏi, “Tôi đã đạt Phật quả chưa?”.

Có lẽ, ai đó sẽ hỏi rằng: “Thưa Khenpo, Ngài yêu cầu chúng con không nhắc đến lỗi lầm của người khác, nhưng tại sao trong lớp, ngài nhắc đến lỗi của chúng con mỗi ngày?”. Câu trả lời là nó được phép trong những hoàn cảnh riêng biệt. Trong quá khứ, khi vị thầy gốc của Khenpo Menser và là đệ tử đời thứ hai của Patrul Rinpoche – Khenpo Achung đang thuyết Pháp, Ngài đánh học trò bằng một tập kinh hay một chiếc cốc bất cứ khi nào phát hiện ra lỗi của học trò và thường đánh học trò đến khi chảy máu. Hành vi này là được phép với các vị Kim Cương Sư. Tuy nhiên, một mặt, mỗi ngày mà tôi đề cập đến lỗi lầm của các bạn, tôi rất lo rằng các bạn sẽ đau khổ vì cảm xúc phiền não khi nghe điều này, vì thế tôi nói càng ít càng tốt hoặc cố gắng nhắc nhở theo những cách tương đối ôn hòa. Tuy nhiên, mặt khác tôi sợ rằng các bạn sẽ không nhận ra lỗi lầm của bản thân và vì thế, tôi cảm thấy mình cần phải nói về chúng. Điều này khác với việc đơn giản chỉ ra lỗi lầm của người khác. Trong hơn một thập niên vừa qua, tôi chưa bao giờ gây xung đột giữa thầy và trò bởi đề cập đến lỗi lầm của người khác trong lớp. Trái lại, nhiều người có thể thấy rõ ràng hơn lỗi lầm của họ và chấm dứt những lỗi lầm này trong dòng tâm thức họ.

Tuy nhiên, khi người bình phàm nói về lỗi lầm của người khác, bạn đang không làm vậy vì lòng bi mẫn vị tha mà thay vào đó, chỉ bởi những cảm xúc phiền não của chính bạn. Cả hai sẽ phá hủy cội nguồn công đức của bạn và làm sâu sắc thêm thiên kiến của bạn với người khác. Nó giống như sương giá của những chướng ngại bao trùm mùa màng của sự hành trì và cũng sẽ gieo mối bất hòa ngăn cản sự hòa hợp trong Tăng đoàn. Hành vi như vậy chẳng đem lại lợi lạc nào, với cả bạn hay người khác. Bởi thế, khi luyện tâm, chúng ta cần thường xuyên xem xét mỗi phần của lời nói và hành động, kiểm tra điều chúng ta làm và cách chúng ta hành xử, và dần dần học cách điều phục tính cách ngang bướng, để dòng tâm thứ trở nên dễ uốn nắn hơn.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.