201408150957013921

Nguyện cầu con trưởng dưỡng tình yêu thương và nhẫn nhục đối với mọi chúng sinh

Đoạn kệ 4: Nguyện cầu con trưởng dưỡng kho tàng quý báu này

Khi con thấy những chúng sinh với thiên hướng xấu
Bị đè nén bởi ác hạnh và khổ đau nặng nề,
Nguyện cầu con, như thể tìm thấy một kho tàng ngọc báu,
Trưởng dưỡng họ như thứ gì đó cực kỳ quý giá –
Bởi rất hiếm tìm được họ!

[Đoạn kệ này nghĩa là:] Vô số chúng sinh, những vị có thiên hướng tiêu cực hay tính cách không dễ chịu và người liên tục bị chèn ép bởi ác hạnh, thói quen xấu và khổ đau, tích lũy ác nghiệp không ngừng, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người khác. Khi con, là một hành giả, gặp được những chúng sinh như vậy, nguyện cầu con xem họ quý báu như một kho tàng hiếm có, để họ trở thành đối tượng đặc biệt của tình yêu thương và nhẫn nhục siêu việt.

Chỉ dẫn này cực kỳ quý giá. Nếu một hành giả Đại thừa chưa phát triển hoàn toàn công đức như vậy, đạt Phật quả trong một đời là điều không thể và thậm chí các thành tựu thế gian thông thường cũng nằm ngoài tầm với. Bởi vậy, chúng ta cần trân trọng chỉ dẫn cốt tủy tuyệt diệu này của thực hành Đại thừa.

Trong thời đại suy đồi hiện nay, phần lớn hữu tình chúng sinh dường như đều có thiên hướng rất tiêu cực: xấu xa, suy đồi, thô lỗ và vô lý; dòng tâm thức của họ tràn ngập sự hiểu sai lầm, ý niệm xấu và tà kiến. Bất chấp điều này, chúng ta phải quyết định cách thức đúng đắn để đối xử với họ. Hiển nhiên, sẽ là không đúng nếu chúng ta đáp lại thiên hướng suy đồi của những hữu tình chúng sinh này với sự khinh thường và thù ghét và rời xa họ. Để biết thêm chi tiết về các chỉ dẫn này, các bạn có thể tham khảo Nhập Bồ Tát Hạnh.

Ở cấp độ của bản tính cố hữu và chân lý rốt ráo, hữu tình chúng sinh và Phật giống nhau; nhưng về hình tướng hiển bày, hữu tình chúng sinh chìm trong cảm xúc phiền não và chẳng có tự do nào về thân hay tâm, điều giải thích tại sao họ lại có những thiên hướng xấu như vậy. Nói cách khác, bởi hữu tình chúng sinh đã tích lũy nhiều ác nghiệp trong vô lượng kiếp của các đời quá khứ và bây giờ bị nghiệp hay ác hạnh này đè nặng, họ không thể có tự do, và vì thế, đã có những thiên hướng thái cực và tồi tệ.

Tuy nhiên, chúng ta cần chắc chắn rằng phần lớn hữu tình chúng sinh, đặc biệt những vị tin tưởng Đức Phật hay những hành giả Phật Pháp, muốn chinh phục phiền não tinh thần của họ, nhưng, bị ảnh hưởng bởi sức mạnh nghiệp, họ không thể hành xử theo mong ước đẹp đẽ này. Lấy ví dụ, người thường xuyên sân hận mạnh mẽ sẽ cảm thấy một cách sâu sắc nỗi khổ đau gây ra bởi sân hận này. Khi sân hận an dịu, họ cảm thấy ghê tởm và giằng xé trong tâm, bị cắn rứt bởi sự ăn năn mạnh mẽ. Họ có thể nghĩ rằng, “Lần sau, tôi sẽ không như vậy nữa”. Thế nhưng, lần sau khi họ gặp phải tình thế chọc tức họ, lịch sử lại lặp lại, lần này đến lần khác, họ cứ bị giày vò bởi những phiền não như vậy. Mặc dù nghiệp chướng sâu dày được tích lũy từ vô thủy, nếu chúng ta không thể cắt đứt những phiền não này tận gốc trong đời này nhờ sự bền bỉ nhiệt thành và hành trì, đời sau chúng ta sẽ thống thiết, đau khổ hơn và chúng ta sẽ có ít tự do hơn. Cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào ba cõi thấp hơn và chịu sự đau khổ bất tận, không ngừng và không thể hiểu được.

Đa số chúng sinh hiện nay, bởi thiếu tự do trong thân và tâm, thường làm những việc xấu với chúng sinh khác. Những hành động này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và thường xuyên, không có lý do nào. Chúng ta, những hành giả, nếu phiền não tinh thần chưa được tiêu trừ, sẽ vẫn là những người có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài. Chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy hại từ những chúng sinh xấu và trải qua nỗi đau đớn và lo âu. Làm sao chúng ta có thể phản ứng lại với tình thế như vậy? Chúng ta cần sử dụng các chỉ dẫn then chốt được trao ở đây. Đoạn kệ này có chút giống với đoạn kệ đầu tiên, nhưng đoạn này cung cấp cho chúng ta những minh chứng rõ hơn về chỉ dẫn cốt tủy của thực hành sâu sắc hơn.

“Như thể tìm thấy một kho tàng ngọc báu” nghĩa là: Mặc dù có mọi kiểu hữu tình chúng sinh, những vị có thể có tham, sân, si, kiêu mạn hay hoài nghi mạnh mẽ, chúng ta không thể để sự thù ghét hay xa lánh với họ khởi lên trong chúng ta. Thực sự, chúng ta không thể không phản ứng lại với chúng. Điều này được giải thích trong đoạn kệ đầu tiên của Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo. Nó cũng nhắc đến rằng:

“Với chư Bồ Tát mong muốn của cải của thiện hạnh,
Những vị làm hại giống như kho tàng quý báu.
Vì thế, với tất cả, hãy vun bồi hạnh nhẫn nhục không thù địch.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Bất cứ khi nào hữu tình chúng sinh làm hại chúng ta, chúng ta không nên khởi lên sự thù ghét hay sân hận, mà trái lại, chúng ta cần xem họ là kho tàng bảo châu vĩ đại. Chỉ dẫn này nói thì dễ hơn làm. Thật khó để quán chiếu điều này, chứ đừng nói đến việc thực hiện nó. Tuy nhiên, đầu tiên chúng ta cần hiểu điều nên làm và điều nên tránh, và dần dần, cách đưa nó vào thực hành. Vạn sự khởi đầu nan. Các thói quen trở thành bản tính thứ hai nhờ trở nên quen thuộc với chúng, từng chút từng chút. Chẳng mấy chốc, chúng ta bắt đầu hành xử theo cách này một cách tự nhiên. Lấy ví dụ, khi đầu tiên chúng ta cố gắng học sử dụng máy tính, chúng ta có thể bị rối loạn bởi những quy trình vận hành phức tạp, nhưng khi thông thạo, dùng máy tính là cách rất tiện lợi để làm việc. Khi chúng ta bắt đầu thực hành chỉ dẫn tâm linh này, chúng ta có thể cảm thấy thật khó để quen thuộc. Nhưng nếu cứ cố gắng, với sự gia trì của bậc thầy kết hợp với sự hành trì miên mật, chúng ta cuối cùng sẽ thấy bản thân có thể áp dụng nó một cách tự tại trong việc liên hệ với các kiểu người khác nhau.

Như Bồ Tát Tịch Thiên từng nói: “Thậm chí nếu con không thể phát triển lòng bi dành cho tất cả những người như vậy, người mà bởi những cảm xúc phiền não, bắt đầu cố giết hại con hay tương tự, con cần ít nhất từ bỏ việc sân hận”. Và một lần, Đức Dromtonpa từng hỏi Tổ Atisha rằng: “Nếu người ta đánh đập con, nguyền rủa con hay cố giết con, con nên làm gì?”. Đức Atisha đáp lại theo cách thức khá gần với ý nghĩa mà Thogme Rinpoche đáp lại câu hỏi này,

“Dù ai đó cố gắng chặt đầu con,
Khi con chẳng làm điều gì sai dù nhỏ bé nhất,
Vì lòng bi mẫn, hãy nhận lấy mọi ác hạnh của anh ta về mình.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Có một vị Lama nổi tiếng gọi là Garcho Rinpoche ở tỉnh Thanh Hải, người bị ngược đãi trong thời Cách mạng Văn hóa. Mỗi lần Ngài bị buộc phải nghe những lời buộc tội chống lại Ngài, Ngài sẽ giải thích, một cách bình tĩnh, “Hôm nay, tôi đang thực hành nhẫn nhục ba la mật vì lợi lạc của mọi hữu tình chúng sinh”. Như thế, Ngài hiển bày “sự xuất sắc trong động cơ”. Lúc bị ngược đãi, khi người ta đánh đập Ngài, sỉ nhục hay nói xấu Ngài, Ngài an trú trong trạng thái tính không, thoát khỏi sự quan niệm hóa và Ngài thực hành nhẫn nhục ba la mật. Đây được gọi là “sự xuất sắc trong hành động”. Và khi sự hành hạ tạm thời kết thúc, Ngài hồi hướng, trong âm thầm, “Nhờ công đức thực hành nhẫn nhục, nguyện cầu tất cả những người đánh đập và nguyền rủa con và mọi hữu tình chúng sinh đều đạt Phật quả”. Đây lại là “sự xuất sắc trong hồi hướng”. Khi thời kỳ Cách mạng Văn hóa kết thúc, và môi trường chính trị trở nên tự do hơn với các tín ngưỡng tôn giáo, nhiều người đã tham gia vào việc ngược đãi vị Lama đã đến gặp Garcho Rinpoche để sám hối và ăn năn. Tuy nhiên, Ngài luôn đáp lại rất nhân hậu rằng, “Con chẳng có gì phải sám hối. Không có con, thầy sẽ không thể thực hành nhẫn nhục ba la mật, và đó là một sự thoải mái tối thượng. Thầy không ghét các con chút nào. Trái lại, mỗi người các con đã tích lũy công đức. Vì thế, xin hãy quên việc sám hối đi!”. Đây là hành động độc đáo và thiện lành của một vị Bồ Tát Đại thừa!

Thực sự, người cố gắng làm hại chúng ta giống như viên ngọc như ý bởi họ là những nhân tố hỗ trợ không thể thiếu được để đạt Phật quả. Đức Phật nói rằng chỉ những vị có nhẫn nhục ba la mật mới có thể trở thành chư Bồ Tát thực sự. Dù đó là trong Nhập Bồ Tát Hạnh, Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo hay Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm, một tiêu chuẩn giống nhau được đặt ra với hành giả Đại thừa. Vì thế, khi đối mặt với kẻ thù, chúng ta cần đền đáp lòng từ ái với sự biết ơn, giống như chúng ta làm với bậc thầy quý báu và từ ái. Với chúng ta, những hành giả Đại thừa, những người thực hành nhẫn nhục ba la mật, kẻ thù là kho tàng không vơi cạn, giúp chúng ta hoàn thiện công đức của nhẫn nhục ba la mật. Vì thế, chúng ta thực sự cần chăm sóc họ liên tục, như một kho tàng quý báu hiếm khi được tìm thấy.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.