Khenpo Sodargye Rinpoche

Nguyện luôn nhận về mình tổn thất và thất bại

Đoạn kệ 5: Nhận về mình tổn thất và thất bại

Khi người khác, vì đố kỵ,
Đối xử tệ bạc với con hay những người liên quan đến con
Bằng sự lạm dụng hay nói xấu,
Nguyện con nhận về mình thất bại,
Và trao cho họ chiến thắng.

[Đoạn kệ này nghĩa là:] Bất cứ khi nào người khác, vì đố kỵ hay các cảm xúc phiền não khác, đối xử tệ bạc với con bằng sự lạm dụng hay vu khống, hay thậm chí họ đối xử tệ với bậc thầy của con, họ hàng hay bạn bè của con, nguyện cầu con nhận về mình khổ đau, tổn thất và thất bại và trao cho họ hạnh phúc, những lợi lạc và chiến thắng.

Để đạt được hai câu cuối cùng của đoạn kệ này, Geshe Chekawa đã đi theo Lama Sharawa trong sáu năm trước khi nhận được sự trao truyền. Ngài thực hành những chỉ dẫn này suốt đời và cuối cùng, hoàn toàn loại bỏ sự bám víu vào “tôi” và “của tôi”. Mỗi người các bạn đang có mặt ở đây hôm nay, đặc biệt là những đệ tử cư sĩ vừa đến Học viện, đã thọ nhận toàn bộ trao truyền về Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm, ngay khi bước vào Học viện và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ thực sự trưởng dưỡng nó!

Đoạn kệ này có vẻ khá dễ hiểu về mặt nghĩa đen; tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của nó rất sâu xa, bao la và ẩn mật. Nếu hành giả có thể tiếp tục thực hành nó một cách chí thành và tinh tấn, họ chắc chắn sẽ tiêu trừ mọi bám víu vào ngã và đạt được địa vị tâm linh cực kỳ cao trên con đường.

Đoạn kệ này chỉ ra rằng, người khác, vì những động cơ không thanh tịnh như đố kỵ, tham, sân, si hay cẩu thả, có thể chửi rủa và nói xấu chúng ta hay những người liên quan đến chúng ta, theo những cách thức bất công. Ở đây, “những người liên quan đến con” bao gồm Kim Cương Thượng Sư, các huynh đệ kim cương, cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Thực sự, có hai kiểu tấn công cá nhân. Một là “sự tấn công cá nhân có căn cứ” và điều kia là “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công”. Ví dụ, nếu tôi đã giữ gìn các giới nguyện thanh tịnh và trong sạch, nhưng người khác bảo rằng tôi không; hoặc tôi không lấy trộm thứ gì, nhưng ai đó buộc tội tôi ăn trộm; hay tôi không phải là ngoại đạo, nhưng ai đó cứ nói vậy … tất cả những điều này thuộc về kiểu “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công”, nghĩa là sự tấn công dựa trên thứ gì đó không tuân theo sự thực. Và “sự tấn công cá nhân có căn cứ” nghĩa là điều vừa được nói ra đúng với sự thực, mặc dù bản chất của sự tấn công bằng lời, tự nó, là một ác hạnh.

Thông thường, với mọi người, “sự tấn công cá nhân có căn cứ” là điều gì đó có thể chịu đựng ở một mức độ, nhưng “sự tấn công cá nhân không căn cứ hay bất công” là sự giày vò quá mức chịu đựng. Trong thời Cách mạng Văn hóa, tôi vẫn là một đứa bé. Khi ấy, nhiều người được gán cái được gọi là “mũ” của “Bốn Kiểu Người”. (Thuật ngữ “đội mũ” giống như phương pháp gọi tên, điều liên kết một người với một biểu tượng tiêu cực). Một lần, tôi nghe nói rằng một người họ hàng của tôi đã đội ba mũ, và tôi rất muốn xem ông ấy đội kiểu mũ nào. Vì thế, tôi đến một trong những “buổi đấu tố” và mặc dù tôi thấy ông ấy đang đứng cùng hàng với nhiều người khác trên sân khấu, tôi chẳng thấy ông ấy đội chiếc mũ nào cả! … Đây là ví dụ về “sự tấn công không căn cứ hay bất công”, phải không nào?

Người bình thường thường xem người nói xấu họ là kẻ thù lớn nhất; tuy nhiên, với chúng ta, hành giả Đại thừa, nói xấu và chửi rủa giống như ngọc báu như ý, một kho tàng quý giá ban tặng công đức và cơ hội nhanh chóng đạt Phật quả. Geshe Potowa thường nói: “Khi người khác nói xấu con, đó là lòng từ lớn nhất với con”. Chúng ta cần xem xét dòng tâm thức để xem liệu nó có thể khởi lên niềm tin như vậy không. Trên con đường tâm linh để đạt Phật quả, hành giả của Đại thừa thậm chí có thể trao tặng vợ và con, thân thể, cho mọi hữu tình chúng sinh; vì thế việc bị nói xấu và chửi mắng cũng không phải vấn đề lớn, phải không?

Trong quá khứ, có một người đàn ông tốt tính bị cầm tù trong sáu năm bởi sự đố kỵ của người khác, nhưng ông ấy nói rằng, “Đó là nghiệp của tôi”, và đối mặt với hoàn cảnh này bằng sự an bình. Một ví dụ khác mà chúng ta đều quen thuộc là Jetsun Milarepa. Trong những năm cuối đời, khi một vị Geshe cúng dường sữa chua tẩm độc vì đố kỵ, Đức Jetsun Milarepa, người xem mọi thứ là giấc mộng và hư huyễn, an nhiên dùng sữa chua. Đây là những phẩm tính quý báu mà một hành giả Đại thừa cần có, và một sự minh chứng sống động về cách thức những cảm xúc phiền não có thể được đem vào con đường.

Thật đáng tiếc khi phần lớn hành giả ngay nay có sự bám víu vào cái tôi quá mạnh mẽ và gần như đến mức mà họ sẽ không nhường dù chỉ một inches cho người khác. Chẳng phải điều này hoàn toàn đối nghịch với thực hành Pháp chân chính? Hơn thế, mặc dù vài người đã dành nhiều năm tháng hành trì, họ vẫn nổi cơn thịnh nộ bất cứ khi nào gặp phải nghịch cảnh dù nhỏ bé. Nếu họ tiếp tục với kiểu hành vi này, nó sẽ chẳng mang lại nhiều lợi lạc, thậm chí họ thiền định trong hang động trên núi cả đời. Sakya Pandita, trong Kho Tàng Khai Thị Tốt Lành, nói rằng:

“Dù ở trong rừng, người ác độc hư hỏng,
Dù ở thành thị, người cao quý vẫn an bình;
Người ta thấy rằng động vật trong rừng hoang dã và ác độc,
nhưng những chú ngựa tốt nhất vẫn rất kỷ luật ở trong thị trấn”.

Là môn đồ của Đức Phật, chúng ta cần có tính cách tao nhã và chỉ khi chúng ta có nền tảng này cho sự hành trì, chúng ta mới có thể đạt được vài thành tựu.

Người Tạng có một thành ngữ nhắc đến sự thật rằng trong thời kỳ an bình, khi chúng ta có thể tận hưởng ánh mặt trời với cái bụng no, và mọi thứ vẫn suôn sẻ, tất cả dường như đều là hành giả tốt, chẳng có phiền não tinh thần, nhưng ngay khi khó khăn khởi lên, khi thức ăn và quần áo hiếm hoi hay khi có sấm sét và mưa lớn, thực hành đã kết thúc. Đây là bức tranh mà chúng ta thường thấy giữa các hành giả. Để vượt qua kiểu khó khăn này, chúng ta cần vun bồi và duy trì quan kiến thanh tịnh trong tâm, nhìn mọi hiện tượng là giấc mơ và ảo ảnh, và thấy mọi hữu tình chúng sinh đều có Phật tính. “Bây giờ, bởi ác nghiệp nặng nề, họ cố gắng làm hại con, nhưng thực sự, họ chẳng có lựa chọn nào khác, giống như bệnh nhân bị ốm dù cho họ chẳng muốn. Bởi vậy, con phải đối xử với họ bằng lòng đại bi”. Khi chúng ta mở rộng tâm thức theo cách này, chúng ta khá dễ dàng để khoan dung với những nguy hại từ người khác. Khi đạt được giai đoạn này, chúng ta cần quán chiếu rằng mọi hiện tượng hiển bày có thể biến thành con đường. Sự hiểu này sẽ làm tăng công đức của chúng ta trong hành trì và chứng ngộ tâm linh, và như thế, chúng ta sẽ phát khởi tâm biết ơn với tất cả hữu tình chúng sinh.

Người ta thường nói rằng: “Nhận tổn thất nhỏ vì lợi ích lớn” và “Thất bại là mẹ thành công”. Từ quan điểm của người bình thường, chúng ta có thể học được nhiều điều từ thất bại và tổn thất, để chúng ta có thể có được lợi ích và thành công lớn hơn trong tương lai. Từ quan điểm Phật Pháp, để đạt Phật quả, chúng ta cần cung cấp mọi sự an bình và hạnh phúc cho người khác để đạt giác ngộ rốt ráo. Trong Đạo Ca Chiến Thắng: Diệu Âm Của Trống Thiêng, Kyabje Jigme Phuntsok Rinpoche nói rằng: “Với người mong muốn làm lợi lạc bản thân trong dài hạn, chỉ dẫn then chốt là làm lợi lạc tha nhân trong ngắn hạn”. Vì thế, không chút do dự, chúng ta cần nhận về mình mọi lỗi lầm, tổn thất và khổ đau của người khác và hồi hướng mọi công đức, chiến thắng, an bình và hạnh phúc cho họ.

Chỉ dẫn cốt tủy này rất sâu xa. Tôi mong rằng tôi có thể nói nhiều hơn, nhưng tôi lấy làm tiếc phải nói với các bạn rằng, cá nhân tôi chưa thực hành nó thật tốt và chỉ hiểu đôi chút và có ít kinh nghiệm liên quan. Có lẽ, dựa vào chút ít kinh nghiệm này, tôi có thể chia sẻ đôi điều về chủ đề này với các bạn. Ví dụ, trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta thường nhận ra lỗi lầm của người khác, theo thời gian, chúng ta có thể kết thúc khi cảm thấy rằng không ai trên đời thực sự có lòng tốt. Mặt khác, nếu chúng ta nhấn mạnh vào việc nhìn người khác từ quan điểm tích cực, và liên tục quán chiếu về lòng tốt của họ với chúng ta, chúng ta sẽ dần dần trở nên quen với thói quen tốt đẹp này và lòng biết ơn với người khác sẽ sinh khởi trong chúng ta. Bởi chúng ta đã thọ nhận chỉ dẫn này, chúng ta cần kết hợp nó với sự hành trì. Ở Tu viện Dhomang thuộc hạt Luhou, có một Khenpo tên Lekshey. Trong mắt Ngài, mọi người đều tốt. Ngài không bao giờ nhìn vào lỗi lầm của người khác. Mặc dù Ngài nhận ra rằng các lỗi lầm tồn tại, Ngài nói: “Sẽ là không tốt nếu nói về lỗi của người khác. Có thể đây là những phương tiện thiện xảo được chư Phật và Bồ Tát sử dụng để giúp đỡ hữu tình chúng sinh và có những ý định cực kỳ bí mật”. Bởi thế, Ngài không bao giờ tranh cãi với người khác.

Như thành ngữ thường nói: “Con người luôn hướng lên cao, nước luôn chảy xuống dưới”. Nơi cao hơn, trên con đường tâm linh của thực hành Pháp, là hành động được nhắc đến trước đây của chư đạo sư tâm linh vĩ đại, người nhận về mình mọi khổ đau, tổn thất và thất bại của mọi hệ thống thế gian và cõi giới và trao cho người khác mọi an bình và hạnh phúc, lợi lạc và chiến thắng. Chúng ta không nên giống như một vị Bồ Tát lúc bắt đầu, như một người thường lúc ở giữa và ma quỷ lúc cuối (bị chôn vùi trong sự ám ảnh với ngã liên tục phát triển và rơi vào các cõi khổ).

Từ ngữ trong chỉ dẫn cốt tủy này đơn giản nhưng ý nghĩa thì sâu xa. Tôi đã thêm vài bằng chứng và ví dụ từ bản văn để các bạn có thể hiểu tốt hơn. Thực sự, chỉ những vị Bồ Tát an trú trong địa đầu tiên hay địa thứ tám hoặc cao hơn mới có thể hoàn toàn hoàn thiện thực hành về Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm. Tuy nhiên, chúng ta có thể tiến hành các thực hành tương tự. Với chỉ dẫn cốt tủy này cùng ân phước gia trì của bậc thầy, hãy nỗ lực với nó trong dòng tâm thức càng nhiều càng tốt và dần dần, bạn sẽ đạt đến một trạng thái như vậy trong thực hành tâm linh.

Tám Đoạn Kệ Luyện Tâm có thể đem lại lợi lạc lớn lao với sự hành trì của cả giáo lý Kinh thừa và Mật thừa. Tôi đã nói về bản văn này hôm nay theo lời thỉnh cầu của vài đệ tử và tôi rất biết ơn họ. Tôi tin tưởng rằng bản văn này sẽ hữu ích với đa số chúng ta ở đây, cả trong thực hành tương lai cũng như là một cách để giúp chúng ta hành xử đúng đắn. Nếu thực hành tâm linh của chúng ta không thích hợp với cách mà chúng ta hành xử như là con người, dù cho chúng ta có vẻ trông giống “những hành giả xuất sắc”, người nhập thất nhiều năm trên núi, chúng ta vẫn thấy mình không giỏi trong việc hòa hợp với người khác khi chúng ta rời khỏi nơi ẩn cư. Chúng ta thậm chí có thể thấy thực hành của mình vô dụng vào những thời điểm quan trọng, chẳng hạn khi chúng ta gặp những khó khăn, chúng ta không thể vượt qua chúng. Nếu vậy, một mặt, nó có thể phá hủy niềm tin hay sự tin tưởng của người khác với Phật Pháp, và mặt khác, chúng ta có thể nản lòng trước những thất bại không ngừng trong sự hành trì tâm linh và đánh mất sự hăng hái trên đường tu. Tôi không thể nói rằng không có Bồ Tát trong số những vị có mặt ở đây, nhưng bên ngoài, tất cả các bạn đều cho thấy bản thân là con người. Khi ở đây tại Học viện, phần lớn các bạn có niềm tin với Tam Bảo và luật nhân quả, và vì thế, tốt hơn nhiều người bình thường. Khi trở về thành phố lớn, những người xung quanh bạn, đa số, sẽ là những người chẳng biết gì về nhân quả, về điều đúng và điều sai liên quan đến nghiệp, và không có niềm tin với Tam Bảo. Trong những nghịch cảnh như vậy, hãy cố gắng giữ trong tâm chỉ dẫn cốt tủy được trao truyền ở đây và bất cứ khi nào những phiền não tinh thần của bạn khởi lên, hãy lập tức điều phục chúng bằng các chỉ dẫn cốt tủy này, giống như chiến binh trên chiến trường, người nhanh chóng rút vũ khí khi gặp kẻ thù và đánh bại không chậm trễ.

Trong quá khứ, chư đạo sư Kadampa vô cùng trân trọng hai dòng cuối của đoạn kệ này. Nếu chúng ta sao chép chúng trên một mảnh giấy và dán chúng ở nơi nào đó dễ nhận ra trong nhà, để nhắc nhở bản thân không ngừng, tôi tin rằng điều đó sẽ hữu ích với sự hành trì. Khi tôi đang học tại Đại Học Sư Phạm, tôi thường thích dán những câu châm ngôn và cách ngôn mà tôi thích lên tường trong phòng ngủ và thường đọc chúng trước khi tôi ra ngoài đi ăn. Tôi thấy nó hữu ích trong việc cải thiện kỷ luật và tính cách của mình. Ví dụ, chúng ta có thể không nhận ra lỗi lầm trong tính cách cho tới khi đọc những thành ngữ tao nhã này, lặp đi lặp lại:

“Không hài lòng với lời tán dương,
Không bất mãn bởi sự chỉ trích,
Và duy trì phẩm tính tốt đẹp,
Đây là tính cách của những vị cao quý”.
(trích từ Kho Tàng Khai Thị Tốt Lành của Sakya Pandita)

Nếu chúng ta chỉ biết một vài chỉ dẫn và chỉ tiến hành vài pháp tu theo cách thức giả tạo, hay thậm chí, nếu chúng ta không chú ý đến các chỉ dẫn và chỉ tụng đọc các tâm chú, nghiên cứu về Bindu mỗi ngày và nhận điệp quy y sau đấy nghĩ bản thân là Phật tử, thì hành vi như vậy không đem lại lợi lạc thực sự cho dòng tâm thức của chúng ta. Từ tiểu sử của chư đạo sư Kadampa, chúng ta có thể thấy tâm thức của chư vị thiện lành thế nào và hành vi của chư vị thanh tịnh ra sao. Chúng ta thì sao? Tôi mong rằng các bạn có thể đọc thêm tiểu sử của chư vị để niềm tin với thực hành Pháp sẽ tăng trưởng và các bạn sẽ tràn ngập sự tinh tấn và bền bỉ nhiệt thành, để các bạn nỗ lực tiến vào con đường luyện tâm.

Những hành giả tốt lành có thể làm lợi lạc cả xã hội. Vì thế, nếu sự giáo dục Phật giáo bước vào trái tim mỗi người, xã hội, đạo đức, hiện trạng của cả đất nước sẽ được tăng cường. Hiện tại, nhiều Phật tử không có những năng lực như vậy, nhưng trong tương lai, khi các bạn đã phát triển được những khả năng như vậy, tôi hy vọng các bạn sẽ có thể thay đổi những tiêu chuẩn về đạo đức và hành vi con người của cả xã hội trở thành kiểu Giáo Pháp, để mọi người từ bỏ việc tích lũy ác nghiệp càng nhiều càng tốt, giúp họ tham gia vào thiện hạnh thường xuyên và khiến họ hiểu điều cần làm hay điều cần tránh, theo đúng luật nhân quả.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.