buddha-point

Xem những ai hại con là chư đạo sư tâm linh

Đoạn kệ 6: Xem những ai hại con là chư đạo sư tâm linh

Khi ai đó mà con đã giúp đỡ,
Hoặc người mà con đặt nhiều hy vọng,
Làm hại con theo những cách cực kỳ bất công,
Nguyện con xem anh ta
Là vị thầy tâm linh chân chính của mình.

[Đoạn kệ này nghĩa là:] Khi ai đó mà con làm lợi lạc hay giúp đỡ, hoặc người mà con dành mối bận tâm và hy vọng lớn lao, đối xử tệ bạc với con theo những cách rất bất công, con sẽ thành tâm xem người đó là vị thầy tâm linh chân chính của mình, không chút hận thù.

Mỗi người chúng ta có thể rơi vào hoàn cảnh như sau: Khi ai đó, người đó mà chúng ta giúp đỡ bằng sức mạnh hay tiền bạc, hoặc trợ giúp việc học tập và thực hành Phật Pháp và người mà chúng ta dành những hy vọng lớn lao, không đáp lại chúng ta bằng sự biết ơn mà lại làm hại chúng ta theo những cách bất công. Mipham Rinpoche từng nói trong Tiểu Sử Vĩ Đại Của Phật Thích Ca Mâu Ni như sau: “Khi thực hành nhẫn nhục ba la mật trong giai đoạn nguyên nhân, Đức Phật đã cứu một người mà mạng sống đang gặp nguy hiểm, nhưng người đó không đáp lại bằng sự biết ơn, mà thay vào đó, làm hại Ngài một cách khủng khiếp”. Những trường hợp tương tự cũng xuất hiện trong xã hội hiện nay. Chúng ta cần có thái độ nào với những người như vậy? Chúng ta cần xem họ là những vị thầy tâm linh chân chính, không khác với Kim Cương Thượng Sư của chúng ta. Đó là thực hành Pháp chân chính!

Với đa số mọi người, đây là điều rất khó để làm được. Tuy thế, chúng ta vẫn cần quán chiếu và thiền định về nhẫn nhục và đưa nó vào thực hành càng nhiều càng tốt; nếu chúng ta làm khởi lên sân hận trong những hoàn cảnh như thế, tất cả sự hành trì của chúng ta chẳng gì khác hơn sự giả mạo!

Xem những người làm hại chúng ta là không khác với vị thầy của bản thân cũng là điều gì đó rất khó làm. Nhiều năm trước, tôi đã mang về một bức tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi từ Ấn Độ, nhưng không may là, bức tượng bị lấy mất bởi một người biết tôi rất rõ. Từ thuở thơ ấu, tôi luôn có niềm tin lớn lao với Bồ Tát Văn Thù. Hơn thế, thủ tục hải quan để đưa bức tượng về cũng gây nhiều rắc rối. Vì thế, tôi quyết định sẽ thờ bức tượng linh thiêng này như là ruộng phước điền của mình, với sự quan tâm lớn lao, tôi dâng lên những cúng phẩm. Bức tượng ấy có ân phước gia trì thù thắng và tôi sẽ chẳng bán nó dù cho ai đó trao cho tôi hàng triệu nhân dân tệ – tôi khá bám víu với Bồ Tát Văn Thù! Sau đấy, khi những người quản lý nghe nói rằng nó đã bị lấy mất, họ hỏi xem liệu tôi có muốn điều tra tên trộm hay tôi có cần trợ giúp từ cảnh sát. Tôi biết ai đã lấy nó, vì thế, nếu tôi tìm kiếm sự giúp đỡ từ cảnh sát, sẽ không khó để lấy lại bức tượng. Tuy nhiên, khi ấy, tôi nghĩ: “Nếu chúng ta điều tra, mọi người sẽ biết ai là người lấy bức tượng. Tượng Phật là để làm lợi lạc chúng sinh, nhưng nếu điều này làm khởi lên những phiền não cho tên trộm, tôi sẽ trao bức tượng như là một món quà, dù cho tôi là người duy nhất biết về nó. Cuối cùng, đây giống như cơ hội tốt nhất để tôi thực hành nhẫn nhục”. Vì thế, tôi từ chối lời đề nghị từ ái của những vị quản lý và mọi việc được dàn xếp ổn thỏa.

Khi người khác làm hại bạn mà chẳng có lý do gì, bạn không nên bị kích động, mà cần phát khởi lòng đại bi với họ; bạn hồi hướng tất cả công đức của bạn cho họ và xem họ là vị thầy tâm linh – đó là cách thức của một hành giả thực thụ. Nếu bạn nghiến răng với sự hận thù và nổi cơn thịnh nộ với người đã lấy đi tài sản của bạn, đó không phải là cách thức của một hành giả chân chính và thậm chí còn rời xa con đường của Bồ Tát.

Ngày nay, những cơ hội thật lớn lao khi chúng ta gặp được những hoàn cảnh không như ý, và chúng ta tóm lấy mỗi cơ hội này để thực hành nhẫn nhục. Như Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo nhắc đến:

“Thậm chí nếu một người mà con quan tâm,
Giống như con của chính mình, xem con là kẻ thù,
Chăm sóc anh ta, như mẹ chăm con
Đang bị bệnh tật.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Đây là thái độ căn bản mà chúng ta cần có một cách trọn vẹn với thực hành Pháp.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.