AC783C38-D8B7-4FFF-A3C9-B90685EB466F

Cư sĩ trong Phật giáo

Tứ chúng Phật giáo

Trong Phật giáo có bốn hội chúng (parisā) là hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā).

Hội chúng tỳ kheo là hội chúng của những nam tu sĩ Phật giáo gồm cả Sa di (sāmanera), đó là những vị đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Sa di là vị tu sĩ tập sự để trở thành vị tỳ kheo, vị sa di tuổi từ hai mươi trở lên mới được phép thọ cụ túc giới. Sa di bên Tăng chúng không buộc thời gian.

Hội chúng tỳ kheo ni là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả sa di ni và học nữ (sāmaṇerī, sikkhāmānā). Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Người nữ mới gia nhập ni chúng phải qua hai năm thọ giới học nữ mới làm sa di ni, thọ giới sa di ni qua hai năm và tuổi đủ hai mươi mới được thọ đại giới tỳ kheo ni.

Hội chúng nam cư sĩ là chỉ cho những thiện nam tử ở gia đình, chưa xuất gia, vẫn còn hưởng dục lạc thế tục. Những người nam này có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Hội chúng nữ cư sĩ là những người nữ ở gia đình, còn hưởng dục lạc thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Bốn hội chúng Phật giáo, trong đó, hội chúng tỳ kheo và hội chúng tỳ kheo ni, là hội chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hội chúng đệ tử tại gia của Đức Phật.

Ý nghĩa U-Bà-Tắc và U-Bà-Di

Người sống đời sống gia đình không phải là vị tu sĩ của giáo hội, gọi là người tại gia (gahaṭṭha) hay cư sĩ (gihi).

Những cư sĩ theo đạo Phật được gọi là U-bà-tắc và U-bà-di. Đó là tiếng đọc âm của danh từ Phạn ngữ Upāsaka và Upāsikā.

Upāsaka (âm là U-bà-tắc), dịch là “Người phụng sự, người cận sự”, danh từ này chỉ cho nam cư sĩ nên được gọi là “Cận sự nam”. Người ta cũng thường gọi người nam cư sĩ trong Phật giáo là “Thiện nam”, nhưng danh từ này không dịch đúng với tiếng Upāsaka.

Upāsikā (âm là U-bà-di), cũng có nghĩa là người phụng sự, người cận sự. Tiếng Upāsikā và Upāsaka đều có một gốc từ “Upa + ās”. Danh từ Upāsikā dùng để chỉ cho nữ cư sĩ nên được gọi là cận sự nữ. Người ta thường gọi nữ cư sĩ trong Phật giáo là “Tín nữ”, đó cũng không phải dịch đúng với tiếng Upāsikā.

Hai danh từ cận sự nam và cận sự nữ đúng nghĩa với tiếng upāsaka và upāsikā (U-bà-tắc, U-bà-di) hơn là gọi Thiện nam và Tín nữ.

Người ta quan niệm người nam làm điều thiện nhiều hơn người nữ, nên mới gọi là Thiện nam; và người nữ thì có đức tin mạnh hơn người nam, nên gọi là Tín nữ. Thật ra quan niệm này không đúng, vì nếu người không có đức tin thì làm sao tạo thiện sự được? Người nam cũng có đức tin mạnh. Cũng như đối với người nữ không những chỉ có đức tin, mà người nữ vẫn tích cực làm điều thiện vậy. Và đó gọi là cận sự nam và cận sự nữ đúng hơn.

Ý nghĩa cận sự nam và cận sự nữ, cần được hiểu là những cư sĩ có niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng, trọn đời nguyện phụng sự Tam bảo, luôn luôn sống theo sự hướng dẫn của Tam bảo.

Những cư sĩ đầu tiên

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo qui y nhị bảo.

Hai thương gia Tapussa và Bhallika – Vào tuần lễ thứ bảy sau khi đắc đạo, Đức Thế Tôn ngự tại cội cây Rājāyatana. Lúc bấy giờ có hai thương gia tên Tapussa và Bhallika trên đường về quê, từ Ukkhala đi ngang qua chỗ Đức Phật ngự, khi ấy hai thương gia này được một vị chư thiên vốn là quyến thuộc của họ, đã mách bảo rằng:

“Các bạn ơi, có Đức Thế Tôn vừa giác ngộ, Ngài đang ngự tại cội cây Rājāyatana; các vị hãy đi đến Đức Thế Tôn ấy và cúng dường với bánh bột và mật ong. Sự cúng dường này sẽ mang lại cho các bạn lợi ích an vui lâu dài”.

Được nghe mách bảo, hai thương gia này lòng tràn đầy vui sướng, vội dừng xe, sắp xếp bánh và mật ong, rồi cùng nhau đi đến chỗ Đức Phật ngự dưới tàn cây Rājāyatana. Đến nơi hai người đã kính cẩn đảnh lễ Đức Phật và dâng lên Ngài thực phẩm bánh và mật ong:

“Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy thọ nhận lễ phẩm của chúng con, bánh và mật ong cho chúng con được sự lợi ích an vui lâu dài”.

Đức Thế Tôn suy nghĩ:

“Các đấng Như Lai không thọ nhận thực phẩm bằng tay, vậy ta nên thọ nhận bánh và mật ong này bằng cái chi đây?

Khi ấy, tứ đại thiên vương biết được ý nghĩ của Đức Thế Tôn từ bốn hướng hiện ra mang bốn cái bát đá dâng lên Đức Phật, bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, xin ngài hãy thọ nhận bánh vào bốn cái bát đá này”.

Đức Thế Tôn đã lấy bốn cái bát và chú nguyện thành một, xong ngài đã thọ nhận bánh và mật bằng cái bát đá đặc biệt ấy rồi thọ thực.

Sau khi Đức Thế Tôn thọ thực xong hai thương gia Tapussa và Bhallika đảnh lễ dưới chân Ngài và xin qui y:

“Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin qui y Đức Thế Tôn và qui y giáo pháp. Xin Đức Thế Tôn thu nhận chúng con là cận sự nam, kể từ hôm nay đến trọn đời qui ngưỡng”.

Vào thời điểm này chưa có Tăng bảo nên họ chỉ qui y Phật và Pháp. Đây là những cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã qui y nhị bảo (Phật bảo và Pháp bảo).

Cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo qui y Tam bảo

Thân phụ của công tử Yasa – Sau khi Đức Thế Tôn Chuyển Pháp Luân tại Lộc Uyển Isipatana gần thành Bārāṇasī, đã tiếp độ được năm tỳ kheo Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Bây giờ đã có đủ tam Bảo là Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo.

Lúc ấy tại thành Bārāṇasī (Ba-la-nại) có ông trưởng giả đại phú hộ, là thân phụ của công tử Yasa.

Một ngày kia công tử Yasa khởi lên tư tưởng chán mùi tục lụy, vì đêm khuya chợt thức giấc trông thấy cảnh các cô hầu ngủ say trên sàn nhà, mỗi cô lộ ra tật xấu, làm mất hết vẻ đẹp thần tiên, để hiện ra cảnh tưởng ê chề chẳng khác nào nghĩa địa tha ma. Công tử chán ngán và âm thầm bỏ nhà ra đi giữa đêm thanh vắng, hướng về khu rừng Isipatana.

Vừa đi, công tử Yasa vừa đi vừa thốt: “Ôi! đời quá bẩn chật, quá phiền toái’. Chàng vừa đến ven rừng thì Đức Phật đã ở tại đấy chờ đợi chàng. Khi nghe lời than thở của công tử Yasa, Đức Phật khẽ bảo: “Hỡi Yasa, ở đây không bẩn chật, ở đây không phiền toái. Hãy đến đây, hỡi Yasa! hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết pháp cho ngươi nghe”.

Công tử Yasa rất ngạc nhiên khi nghe Đức Phật bảo, chàng bỗng dưng cảm thấy dạt dào niềm hoan hỷ. Chàng liền cởi đôi hia vàng và đi chân trần đến gần Đức Phật, quì xuống đảnh lễ Ngài và ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho công tử nghe, Ngài đã khích lệ, đã khai thị với pháp thoại tuần tự. Liền đó công tử Yasa đã chứng quả Nhập lưu.

Rạng sáng hôm ấy, ông trưởng giả thân phụ của Yasa đi tìm con. Ông đi hướng về khu rừng Isipa-tana. Bất chợt cũng gặp Đức Thế Tôn đang ngồi dưới một tàn cây trong khu rừng ấy. Lúc này, Đức Thế Tôn đã dùng thần thông che khuất công tử Yasa, nên ông trưởng giả không nhìn thấy con mình đang ngồi bên Đức Phật.

Ông trưởng giả đến gần Đức Phật, chào Ngài và hỏi thăm Ngài có nhìn thấy một vị công tử đi qua đây không? Đức Phật bảo ông ta hãy ngồi xuống đây trong giây lát sẽ gặp vị công tử ấy. Ông trưởng giả nghe lời và ngồi xuống, Đức Phật đã thuyết pháp cho ông nghe, với pháp thoại tuần tự, Ngài đã khích lệ, khai thị pháp nhãn cho ông trưởng giả, ông đắc quả Tu đà huờn ngay khi đó. Ông đảnh lễ Đức Phật và xin qui y:

“Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, ví như người lật lên vật bị úp, hay như người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hoặc như người mang đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt được thấy cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải. Bạch Đức Thế Tôn, con xin qui y Đức Thế Tôn, qui y Giáo pháp, qui y Tăng chúng; mong Đức Thế Tôn hãy nhận con là cận sự nam đã qui y kể từ hôm nay đến mạng chung”.

Đây là người cận sự nam đầu tiên trong Phật giáo đã qui y Tam bảo (Phật bảo – Pháp bảo – Tăng bảo).

Cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo qui y Tam bảo.

Thân mẫu và hiền thê của công tử Yasa -Trong khi Đức Phật đang thuyết pháp cho ông trưởng giả thì công tử Yasa đã thẩm nghiệm lại pháp và đắc quả A la hán. Đức Phật biết rõ điều đó nên Ngài thu hồi thần thông, ông trưởng giả nhìn thấy con trai của mình, ông rất vui và bảo con trai hãy trở về nhà để an lòng người mẹ.

Đức Phật đã nói với ông trưởng giả rằng: Yasa, con trai của ông đã đạt đến vô lậu tâm giải thoát thì không thể trở lui lại đời sống thế tục nữa. Nghe vậy ông trưởng giả rất vui lòng vì ông là bậc Dự Lưu nên nhận thức rõ điều đó. Rồi ông trưởng giả đã thỉnh Đức Phật cùng các tỳ kheo đến nhà thọ thực ngày mai, Đức Phật nhận lời, ông đảnh lễ Ngài và ra về. Sau đó, Đức Phật cho phép Yasa thọ phẩm mạo tỳ kheo bằng cách “Ehi bhikkhu” (Thiện lai tỳ kheo).

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn cùng tôn giả Yasa là thị giả, đã đi đến nhà của ông trưởng giả, cha của tôn giả Yasa.

Người mẹ và người vợ của ngài Yasa đã bước ra đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật thuyết tuần tự pháp thoại và giảng về bốn chơn lý cho những nữ cư sĩ ấy nghe. Cuối thời pháp cả hai người đều chứng quả Dự lưu, đạt được lòng tin bất động nơi Tam bảo.

Khi đã đắc pháp nhãn ly trần vô cấu, họ đảnh lễ Đức Phật, xin qui y:

“Bạch Đức Thế Tôn, thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn, cũng ví như người lật lên vật bị úp, hay người mở ra vật bị gói kín, hoặc như người chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay như người đem đèn vào bóng tối cho kẻ có mắt thấy được cảnh sắc; cùng thế ấy, giáo pháp đã được Đức Thế Tôn dùng nhiều phương tiện giảng giải. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin qui y Đức Thế Tôn, qui y Giáo pháp, qui y Tăng chúng, mong Đức Thế Tôn hãy nhận chúng con là những cận sự nữ đã qui y kể từ hôm nay đến mạng chung” …

Đây là những người cận sự nữ đầu tiên trong Phật giáo đã qui y Tam bảo.

Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu)