Dzambala

Hạnh Bố thí – Pháp môn tu tập của người Cư sĩ

Ý nghĩa pháp bố thí

Bố thí (Dāna, tàu âm đàn-na) là sự cho, biếu, tặng, hiến, dâng cúng … cho ra mà không nhận lấy lại, gọi là bố thí.

Người đời hiểu danh từ “Bố thí” là một hành động “Cho với thái độ khinh bỉ”. Trong Phật giáo thì danh từ này có ý nghĩa rất đẹp. “Bố thí” là một hạnh lành, là một nghĩa cử, một hành động chia sẻ với tâm rộng rãi.

Khi người bỏ được tâm keo kiết bỏn sẻn mới bố thí được, do vậy, bố thí là một việc làm cao quí. Không phải ai cũng làm được, và không phải lúc nào cũng làm được.

Phần đông chúng sanh có tâm chấp giữ tư hữu, không vui thích san sẻ, không hoan hỷ phân phát. Vì vậy, nói rằng không phải ai cũng bố thí được.

Có những người cũng hoan hỷ bố thí, vui thích phân phát, nhưng tâm chúng sanh phàm phu không thăng bằng, có lúc dễ xả tài, có lúc lại khó dứt bỏ, tâm tư có khi hào phóng, có khi thắt chặt. Vì vậy, nói rằng không phải lúc nào cũng bố thí được.

Bố thí (dāna) còn được gọi là xả tài (cāga) hay thí xả (pariccāga).

Điều kiện bố thí

Để thành tựu một việc bố thí, phải hội đủ ba điều kiện:

a) Có tư niệm (cetanā)
b) Có vật thí (vatthu)
c) Có người nhận (paṭigāhaka)

Gọi là “Có tư niệm”, tức là có tâm quyết định dứt khoát hay có tác ý rằng: “Ta sẽ bố thí”, hoặc “Ta hãy bố thí”, hoặc “Ta chớ nên bỏn sẻn” … tư tưởng ấy khởi lên trước khi bố thí thì gọi là Tư tiền (pubbacetanā); tư tưởng quyết tâm bố thí khởi lên khi đang làm thì gọi là Tư hiện (muñcanacetanā), tư tưởng nghĩ lại và hoan hỷ sự bố thí đã làm qua thì gọi là Tư hậu (aparacetanā).

Điều kiện tư niệm (cetanā) rất quan trọng vì chính đây là yếu tố tác thành thiện nghiệp bố thí; có tư niệm càng lâu thời gian thì càng tích lũy được nhiều thiện nghiệp. Có người khởi tư niệm chuẩn bị để bố thí, trước nhiều năm, hoặc nhiều tháng, hoặc nhiều ngày, hay chỉ ngay trước khi bố thí không lâu. Tư niệm thời gian dài như là một người có ý định sẽ làm phước dâng y Kaṭhina vào những năm sau nên chuẩn bị đầu tư tiền bạc … Trường hợp tư niệm thời gian ngắn như là chợt có người ăn mày ngửa tay xin tiền, cận sự nam ấy quyết định bố thí cho người ăn mày ngay khi ấy …

Tư niệm thiện đang khi làm cũng là một yếu tố quan trọng để duy trì thiện hạnh bố thí, bởi lúc đó nếu không có tác ý mạnh thì tâm thiện đôi khi bị thối chuyển.

Tư niệm thiện sau khi bố thí cũng rất cần thiết, vì nghĩ lại điều phước mình đã làm thì càng hoan hỷ và điều đó trợ cho ý muốn bố thí thêm nữa bằng cách thường cận y duyên. Một người đã bố thí rồi nhưng không hậu tư niệm sẽ không thiết tha, không khắng khít, không ước muốn làm việc thiện ấy nữa.

Điều kiện bố thí thứ hai là “Có vật thí”, tức là nói đến vật chất cụ thể để đem cho, để bố thí, để cúng dường.

Vật thí nói theo luật tạng thì có bốn thứ là y phục (cīvara), vật thực (piṇḍapāta), trú xứ (senāsana), thuốc trị bệnh (gilānabhesajja). Đó là bốn món nhu yếu, cần thiết cho đời sống mọi người; y phục để mặc che thân, vật thực để ăn nuôi sống, trú xứ để ở tránh mưa nắng, thuốc trị bệnh để ngăn trừ cảm thọ khổ. Bốn vật thí này là tứ vật dụng mà người cư sĩ thường bố thí cúng dường đến Tăng chúng trong Phật giáo.

Vật thí nói theo kinh tạng thì có mười thứ là thức ăn (aṇṇa), nước uống (pāna), y phục (vattha), xe thuyền (yāna), bông hoa (mālā), vật thơm (gandha), vật thoa (vilepana), giường ghế (seyyā), chỗ ở (āvasatha), đèn đuốc (padīpa). Mười vật thí này, trong đó có những thứ cần thiết cho đời sống, có những thứ không phải nhu cầu cần thiết nhưng cũng mang đến lợi ích tiện nghi cho con người. Do đó, đều có thể lấy làm vật thí để cho tặng người khác được.

Vật thí nói theo Vi Diệu Pháp thì có sáu thứ là sắc (rūpa), thinh (sadda), hương (gandha), vị (rasa), xúc (phoṭṭhabba) và pháp (dhamma). Sáu vật thí này là nói theo bản thể của các vật thí thông thường chớ không có gì là lạ thường. Thí dụ, vật thí nào mắt thưởng thức được thì gọi là sắc thí, vật thí nào mà tai thưởng thức được thì gọi là thinh thí v.v…

Vật thí là điều kiện để thực hiện việc bố thí vì có vật thí mới đem cho được đến người khác, như ta mời người bạn ăn cơm thì phải có cơm nấu dọn lên bàn vậy.

Điều kiện thứ ba là “Có người nhận”, nghĩa là có đối tượng để cho. Nếu mình có hảo tâm, có sẵn vật thí, mà không có người để nhận vật thí thì không thành sự bố thí. “Người nhận” được gọi là người thọ thí hay đối tượng thí.

Bất cứ ai cũng có thể là đối tượng thí hay người thọ thí được cả.

Nói theo hình thức, đối tượng thí có hai là cá nhân đối tượng (paṭipuggalika) và tập thể đối tượng (saṅghika).

Cá nhân đối tượng, tức là một chúng sanh nào đó thọ nhận sự bố thí, cá biệt một nhân vật được cho. Thí dụ, như người cư sĩ cúng dường riêng cho Đức Phật hoặc riêng cho một vị tỳ kheo, hay bố thí cho một người ăn mày, giúp đỡ cho một người nghèo, hay là cho thức ăn đến một con chó, một con mèo v.v… nhân vật thọ thí ấy gọi là cá nhân đối tượng.

Tập thể đối tượng, tức là đối tượng gồm nhiều người, đối tượng là đoàn thể, đối tượng là quần chúng. Thí dụ như sự cúng dường đến chư Tăng tỳ kheo, đến các tu sĩ, hoặc như cứu trợ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ các trẻ mồ côi v.v… đối tượng được bố thí ấy gọi là tập thể đối tượng.

Nói theo giá trị, đối tượng thí được phân ra có bốn hạng là bậc khả kính, bậc hữu ân, hạng thường nhơn, hạng súc sanh.

Đối tượng thí là bậc khả kính như Đức Phật, các tỳ kheo, các sa-môn, bà-la-môn giới hạnh

Đối tượng thí là bậc hữu ân thầy tổ, ông bà, cha mẹ, và những ai có ân đức với mình.

Đối tượng thí là hạng thường nhơn như người nghèo, người sống bất hạnh, người cần giúp đỡ, và tất cả người nào không thuộc bậc khả kính và bậc hữu ân.

Đối tượng thí là hạng súc sanh như là các thú vật nuôi hoặc những loài bàng sanh khác mà mình thấy đáng thương xót.

Sự bố thí có quả báo ít hay nhiều cũng tùy thuộc ở đối tượng thọ thí nữa.

Hình thức bố thí

Bố thí là sự cho đến người khác. Nhưng xét về thái độ “Cho” thì nói có hai hình thức bố thí là:

a) Bố thí tế độ (saṅgahavasa)
b) Bố thí cúng dường (pūjavasa)

Bố thí tế độ, là sự bố thí với thái độ bi tâm, thương xót chúng sanh bất hạnh nên bố thí giúp đỡ, mong xoa dịu nỗi khổ đau của chúng sanh ấy. Như là cho y phục, thực phẩm đến những người nghèo khó, cho đến người ăn xin, hoặc cứu trợ những đồng bào bị thiên tai v.v…

Bố thí cúng dường, là sự bố thí với thái độ tín tâm, bố thí với tâm trong sạch cung kính, mong được người thọ thí chúc phúc. Như là cúng dường đến các bậc sa-môn, bà-la-môn giới hạnh, các bậc xứng đáng cúng dường; thậm chí việc phụng dưỡng cha mẹ và thầy tổ cũng gọi là thái độ bố thí cúng dường.

Người cư sĩ nên thực hành cả hai hình thức bố thí ấy.

Tâm lý bố thí

Bố thí là đem tài sản sở hữu của mình ra cho người khác, nhưng không phải tất cả trường hợp bố thí đều có giá trị giống nhau. Giá trị cao thấp của sự bố thí tùy vào tâm lý bố thí của người cho.

Có tám tâm lý bố thí (A.IV.236):

1- Do thương mà bố thí (chandā dānaṃ deti). Có người vì thương yêu người nào đó nên họ biếu tặng cho người ấy quà phẩm hoặc tiền bạc.
2- Do ghét mà bố thí (dosā dānaṃ deti). Có người vì bực bội do bị xin xỏ quấy rầy nên bố thí cho yên; hoặc vì muốn sỉ nhục mà bố thí; hoặc vì ghét người này mà đem cho người khác.
3- Do dốt nát mà bố thí (mohā dānaṃ deti). Có người không nhận thức tính thiện pháp của bố thí, không nghĩ đến mục đích gì, chỉ là ai xin thì cho vậy thôi.
4- Do sợ mà bố thí (bhayā dānaṃ deti). Có người bị đe dọa, hoặc bị áp bức, hoặc yếu thế nên phải cho tài sản để yên thân.
5- Do truyền thống mà bố thí (kulavaṃsā dānaṃ deti). Có người ở trong gia đình truyền thống bố thí, nên người ấy rộng rãi xả tài vì nghĩ rằng ta không nên làm mất truyền thống gia đình.
6- Do mục đích sanh thiên mà bố thí (Sugati-upapannatthāya dānaṃ deti). Có người mong được sanh về cõi trời nên bố thí, vì nghĩ rằng sau khi bố thí ta chết sẽ sanh thiên.
7- Do mục đích tâm an vui mà bố thí (cittapa-sīdanatthāya dānaṃ deti). Có người thích bố thí vì nghĩ rằng khi ta bố thí đem niềm vui cho kẻ khác thì ta được an vui.
8- Do mục đích trang bị cho tâm mà bố thí (cittaparikkhāratthaṃ dānaṃ deti). Có những chúng sanh cầu giải thoát, muốn trang bị cho tâm, làm cho tâm được thuần thục, làm cho tâm trong sáng khỏi cấu uế xan tham nên bố thí.

Trong tám tâm lý bố thí ấy chỉ có sự bố thí vì mục đích trang bị tâm là sự bố thí cao quí, sự bố thí vì mục đích tâm an vui cũng là sự bố thí tốt đẹp.

Sự bố thí vì truyền thống và sự bố thí vì mục đích sanh thiên, cũng được bậc trí trong đời chấp nhận, nhưng không xem là thù thắng.

Cung cách bố thí

Nhìn vào cung cách bố thí mà biết được là người hiền trí hay không phải hiền trí.

Cung cách bố thí của bậc hiền trí có năm là:

1- Bố thí có tôn trọng (Sakkaccaṃ deti). Tức là khi cho ai thì cho bằng thái độ ân cần.
2- Bố thí có suy nghĩ (Cittīkatvā deti), tức là có chủ tâm làm điều tốt nên mới bố thí.
3- Bố thí tự tay (Sahatthā deti), tức là chính mình làm chớ không sai bảo hay giao phó người khác làm.
4- Bố thí đồ không quăng bỏ (anapaviddhaṃ deti), là cho vật tốt đẹp mà mình đang dùng xài chứ không phải là vật dư thừa hay thối hư.
5- Bố thí có nhìn tương lai (āgamanadiṭṭhiko deti), là bố thí có hướng đến mục đích, như nghĩ đến an vui, nghĩ đến phước báu, nghĩ đến giải thoát.
Cung cách bố thí của hạng phi hiền trí có năm là:

1- Bố thí không tôn trọng (asakkaccaṃ deti). Nghĩa là hạng phi hiền trí khi cho ai thì cho với thái độ khinh rẻ.
2- Bố thí không suy nghĩ (acittīkatvā deti). Hạng phi hiền trí bố thí thờ ơ, không quan tâm việc mình làm.
3- Bố thí không tự tay (asahathā deti). Hạng phi hiền trí bố thí không tự mình làm mà chỉ sai bảo người khác làm, như thể việc bố thí không đáng để họ làm.
4- Bố thí đồ quăng bỏ (apaviddhaṃ deti). Hạng phi hiền trí bố thí những thứ mà họ đã chán chê, những thứ mà họ không dùng xài nữa.
5- Bố thí không nhìn tương lai (anāgamanadiṭṭhiko deti). Hạng phi hiền trí có bố thí cũng không hướng đến mục đích cao cả, không có nguyện vọng, làm chỉ là làm thôi.

Quả phúc bố thí

Hạnh bố thí thành tựu nhiều lợi lạc cho thí chủ. Nhưng tùy theo hạnh bố thí mà có được những quả lợi ích khác nhau, khó khẳng định được.

Hạnh bố thí có những quả lợi ích khác nhau tùy theo vật thí, tâm lý bố thí, cung cách bố thí v.v…

Quả bố thí tùy theo vật thí (vật thực, hoặc y phục hoặc trú xứ …), điển hình như bố thí vật thực sẽ thành tựu 5 điều lợi lạc đến thí chủ:

1- Hưởng tuổi thọ nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác được kéo dài sự sống.
2- Hưởng dung sắc nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác nuôi thân xinh tốt.
3- Hưởng an vui nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác ngăn được cảm thọ đói khổ.
4- Hưởng sức lực nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác có sức khỏe sung mãn.
5- Hưởng biện tài nhơn thiên, vì thí thực giúp cho người khác bồi dưỡng trí tuệ.

Quả bố thí thành tựu theo tâm lý bố thí có 5 sự kiện là:

1- Người bố thí vì thương, vì ghét, vì dốt nát, vì sợ thì quả báo về sau rất kém, có tài sản không đáng kể, không thể sanh ở cõi trời.
2- Người bố thí vì giữ truyền thống thì thường đạt đến tài sản trong cõi nhơn loại thôi.
3- Người bố thí vì mong sanh thiên thì được đạt đến tài sản chư thiên.
4- Người bố thí vì để tâm an vui thì có thể đạt đến hai loại tài sản là tài sản nhơn loại (manussa-sampatti), tài sản chư thiên (devasampatti).
5- Người bố thí để trang bị cho tâm, làm trang nghiêm tâm, cầu sự giải thoát thì sẽ được tài sản thánh nhân hay thành tựu Níp bàn (nibbānasam-patti), nếu thí chủ chưa chứng đạt Níp bàn mà còn luân hồi sanh tử thì vẫn được tài sản chư thiên và tài sản nhân loại.

Quả bố thí thành tựu theo cung cách bố thí có 5 điều là:

1- Bố thí bằng niềm tin, được quả báo tương lai giàu có và xinh đẹp khả ái.
2- Bố thí tôn trọng, được quả tương lai giàu có và nhiều người qui phục.
3- Bố thí hợp thời, được quả tương lai giàu có và các nhu cầu được đáp ứng đầy đủ đúng lúc.
4- Bố thí tâm không gượng ép, được quả tương lai giàu có và hưởng thụ với tâm thoải mái mãn nguyện.
5- Bố thí không gây tổn hại mình và người, được quả tương lai giàu có và giữ vững được tài sản; không bị phá sản bởi lửa, nước, vua, kẻ cướp, hay người thừa kế.

Quả báo thiết thực của sự bố thí  có năm điều là:

1- Được nhiều người thương yêu kính mến.
2- Được các bậc thiện trí thức giao hảo.
3- Danh thơm tiếng tốt lan truyền
4- Có tâm dạn dĩ tự tại khi đến giữa các hội chúng.
5- Sau khi mạng chung được sanh vào nhàn cảnh cõi trời.

Tỳ kheo Giác Giới – Bodhisīla Bhikkhu