Kenting Tai Situpa

Tái sinh và Nghiệp

Tái sinh và nghiệp là những vấn đề liên quan đến nhau gắn liền với mỗi cuộc đời. Mỗi khoảnh khắc là sự nối tiếp của khoảnh khắc trước đó, và theo quan điểm Phật giáo sự nối tiếp từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác dường như không dứt. Tái sinh, nói một cách giản dị là sự nối tiếp của tâm thức.

Có những mức độ tái sinh khác nhau – tái sinh của những người bình thường và chúng sinh trong những cõi giới khác, như là súc sinh, trời, thần linh, và bồ tát. Sự tái sinh tối thượng là hóa thân (nirmanakaya) của phật – đó là sự hiển thị thân vật chất của phật. Từ này, nirmanakaya – tulku trong tiếng Tạng có một định nghĩa đặc biệt. Theo nghĩa đen, nó có nghĩa là “ hiện thân”. Tái sinh áp dụng cho tất cả chúng sinh, nhưng thuật ngữ tulku lại ám chỉ đến hóa thân của những hành giả thành tựu đặc biệt, những vị bồ tát và những vị phật toàn vẹn. Những tái sinh này chỉ có mục đích duy nhất là để phục vụ chúng sinh.

Một định nghĩa đơn giản của tái sinh là sự nối tiếp của tâm thức. Nghĩa là cùng một tâm thức nhưng tái sinh vào những thân thể khác nhau. Tâm thức khiến cho việc tái sinh diễn ra liên tục dưới những hình tướng vật lý khác nhau. Vì lý do này, theo Phật giáo, rõ ràng là tâm thức không chết mà chỉ có thân thể chết. Cái chết là của thân thể. Tâm thức không chết. Đây là hai vấn đề quan trọng cần nắm bắt được ngay từ đầu.

Thời điểm của cái chết là một khoảnh khắc mạnh mẽ. Nếu một người bình thường ở khoảnh khắc đó có lòng thành tâm mạnh mẽ, và có lòng bi mẫn, và sự sáng suốt, trạng thái tâm thức của người này sẽ tác động to lớn và tích cực vào kiếp tái sinh của họ. Trong khoảnh khắc này, nếu tâm thức ở trạng thái tiêu cực như là sân hận, cự tuyệt, sợ hãi, vân vân, thì sẽ có tác động tiêu cực mạnh mẽ vào kiếp tái sinh tương lai. Vì vậy, thời điểm của cái chết là điều cực kỳ quan trọng cần xem xét vì liên quan tới tái sinh.

Nói chung, tái sinh của những chúng sinh bình thường có thể chia làm hai loại, nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng mỗi cá nhân là một trường hợp đơn lẻ. Có cái chết bình thường không có bất kỳ nhân tố tích cực hay tiêu cực nào trong suốt thời điểm của cái chết. Những người trải qua loại này sẽ tái sinh với sự kiểm soát hoàn toàn của nghiệp kiếp trước của họ, bởi vì không có ảnh hưởng đặc biệt nào trong khoảnh khắc diễn ra cái chết. Nếu có tác động mạnh mẽ của các yếu tố tích cực hay tiêu cực, khi đó các yếu tố này sẽ lấn át nghiệp quá khứ. Đây là loại tái sinh thứ hai mà những tư tưởng tích cực hay tiêu cực sẽ dẫn dắt tâm thức chúng sinh vào tái sinh tích cực hay tiêu cực.

Tái sinh của một vị bồ tát khá là khác với các chúng sinh bình thường. Các bồ tát là những người đã thực hành bồ tát đạo thành công, và có Lời thề của Bồ tát, do vậy họ cam kết để đạt tới giác ngộ vì tất cả chúng sinh cũng như bản thân họ. Đây là một bồ tát đích thực. Có những hành giả rất tinh tấn và những vị bồ tát đạt được tỉnh giác của bồ tát sơ địa. Nhưng có sự khác nhau giữa hai cấp độ này. Những hành giả rất tinh tấn chưa đạt tới bhumi đầu tiên, nhưng do họ có động cơ tốt đẹp nên họ sẽ tái sinh trong những hoàn cảnh giúp họ tiếp tục thực hành bồ đề tâm. Họ đã có những cam kết về bồ tát đạo, và do sức mạnh bồ đề tâm của họ, sự tái sinh của họ sẽ có nhiều hoặc là ít hơn hành động của một vị bồ tát. Những người này có thể được gọi là những vị bồ tát thế gian vì họ chưa thực sự đạt được bhumi đầu tiên.

Theo các kinh điển, ngay khi một vị bồ tát sơ địa đạt được tỉnh giác đầu tiên, sự hiển thị của người này không bị giới hạn nữa. Đức Phật nói rằng vị bồ tát sơ địa có thể cùng lúc hiển thị ở một trăm nơi khác nhau để trợ giúp chúng sinh. Ngài có thể hiển thị ở một trăm ngân hà khác nhau, hay là ở một trăm vị trí khác nhau trong một quốc gia. Từ cấp độ sơ địa cho đến cấp độ thập địa của quả vị bồ tát, năng lực xác định để tái sinh vì lợi ích của chúng sinh sẽ được gia tăng, và do vậy tạo thành loại khác của tái sinh – gọi là hóa thân bồ tát.

Trong truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa của Tây Tạng, chúng tôi có các tulkus. Kim Cương Thừa có những phương pháp xác định các đạo sư hóa thân, và dùng những phương pháp này có thể tìm bất kỳ đạo sư hóa thân nào, không chỉ những hóa thân của các đạo sư mà cả hóa thân của những người khác nữa. Dĩ nhiên, nếu một tulku tái sinh trong một vũ trụ khác thì không thể đem ngài trở lại, nhưng nếu tái sinh trong vùng xung quanh thì hóa thân của họ có thể tìm được. Phương pháp này chỉ sử dụng để tìm các đạo sư, không được dùng để tìm những người bình thường, các nhà lãnh đạo chính trị, hay là các vị vua. Phương pháp này được sử dụng chỉ để tìm các lãnh tụ tôn giáo, một truyền thống mà cho đến nay chưa bao giờ bị phá vỡ.

Không phải tất cả các đạo sư đều được tìm thấy. Một số tulkus trở lại một số lần nhất định nhưng sau đó không tìm thấy nữa. Chắc chắn cũng có những đạo sư vĩ đại tái sinh mà không được nhận ra chính thức. Bởi có những lý do liên quan đến hạnh bồ tát của mỗi đạo sư, mà họ không xuất hiện công khai.

Hầu hết các môn phái Phật giáo Kim Cương Thừa đều có ít nhất một đạo sư hóa thân, hay là tulku. Điều này thường khởi đầu khi một đạo sư thánh thiện và vĩ đại thiết lập một tu viện có một đệ tử đặc biệt, và thu hút một nhóm các tín đồ. Khi đạo sư đó viên tịch, sự tái sinh của người này thường được tìm thấy bởi người đồng môn gần gũi, có thể là một đệ tử, hoặc là một trong số những vị thầy còn sống của đạo sư này. Các đệ tử sẽ chăm sóc tulku dưới sự chỉ bảo của người đệ tử chính, hoặc là của hóa thân của người thầy của đạo sư. Sớm hay muộn thì vị đạo sư tái sinh sẽ trở thành người đứng đầu của tu viện và tiếp tục các hoạt động làm lợi ích cho chúng sinh. Đó là hoạt động của hệ thống tulku. Cùng là một đạo sư, và vài đệ tử gần gũi đồng thời cũng là những người thầy, họ tái sinh liên tục để đảm bảo sự nối tiếp liên tục của việc giảng dạy trong tu viện. Ở Tây Tạng đã từng có hàng ngàn tu viện, và 80 phần trăm trong số này có ít nhất một tulku.

Tái sinh là một phần của hiện tượng không ngừng hiển thị từ thời vô thủy . Cũng như vậy, sự tái sinh của các bồ tát và các đạo sư vĩ đại luôn luôn diễn ra. Theo lịch sử ghi nhận, việc nhận ra các hóa thân như thế – những người mang cùng tước hiệu và tiếp nối vị trí, chỉ có trong Kim Cương Thừa. Ở những thời đại khác và nơi khác, các tulkus xuất hiện và được nhận ra bởi các phẩm chất đặc biệt mà họ biểu hiện trong cuộc sống của họ, nhưng không có dòng dõi đặc biệt của tulkus được thiết lập. Hệ thống thừa nhận tulkus là duy nhất có trong Kim Cương Thừa. Vị lama hóa thân đầu tiên là Karmapa thứ nhất – Dusum Khyenpa, là người mang cùng tên, lãnh đạo cùng dòng truyền thừa, và phụ trách cùng tu viện và các đệ tử, ngài đã để lại cho các đệ tử những chỉ dẫn làm thế nào để tìm thấy tái sinh của ngài.

Hóa thân phật, sự hiển thị của phật là khác với hóa thân của một vị bồ tát. Hóa thân phật vượt qua mọi hữu hạn. Ngay cả bồ tát thập địa vẫn có một số giới hạn nhất định. Một vị bồ tát thập địa có một vài giới hạn trong sự hiển thị. Dù ngài có nhiều năng lực cực kỳ to lớn nhưng vẫn hạn chế. Một vị phật là vô hạn. Tất cả các bồ tát đều có nhiều hiện thân đặc biệt, mà năng lực hiển thị của họ tùy thuộc vào cấp độ của họ – sơ địa là 100, rồi tăng lên ở mỗi cấp độ kế tiếp. Vị phật vượt qua mọi giới hạn và có thể tiếp tục hiển thị vô tận vì những điều tốt lành cho tất cả chúng sinh.

Hóa thân phật như là không gian chứa đựng mọi chúng sinh và mọi điều, không bị giới hạn ở một hành tinh hay một thiên hà mà bao gồm tất cả sự vật. Vì không gian là vô tận. Nếu bạn xây một tòa nhà bê tông, không gian không mất đi. Nếu bạn phá hủy tòa nhà thì không gian vẫn ở đó. Không gian không đến từ đâu cả. Nó không phải là thứ chúng ta có thể nắm giữ, vì nó tràn ngập khắp nơi. Việc làm của Đức Phật cũng vậy – là vô hạn, vượt ra khỏi tính nhị nguyên, và diễn ra bất cứ nơi nào có các nhân và duyên để trợ giúp. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn bộ thế giới hệ cầu nguyện thành tâm cùng một lúc, thì sự cầu phúc của Đức Phật cũng sẽ rải đều cho từng chúng sinh. Một vị phật sẽ không có trở ngại nào khi ban nhiều ân phúc vì phật đã vượt ra mọi giới hạn. Khi một vị phật hiển thị cho chúng sinh có sự tỉnh giác của cấp bồ tát sơ địa, phật sẽ thị hiện trong hình tướng của Báo thân (sambhokaya). Hình tướng này được mô tả như là thân thể để một chúng sinh ở cấp độ thấp hơn – ngôi bồ tát ban đầu, có thể nhận thức được một vị phật. Ở các cấp độ tinh tấn khác nhau sẽ có những năng lực nhận biết khác nhau. Có thể suy luận một cách đơn giản, như là bạn nhìn thấy một khuôn mặt quen trong đám đông. Bạn thấy quen thuộc và nhận ra người này vì bạn biết về anh ấy hay là chị ấy. Bạn nhận ra các dấu hiệu của người này. Khi gặp một vị phật, nếu bạn không quen thuộc với các biểu hiện vi tế thì bạn sẽ không biết đã gặp một vị phật. Khi một vị phật thị hiện cho chúng sinh dưới cấp bồ tát sơ địa thì thường xuất hiện trong hóa thân, và là hóa thân vô hạn.

Để hiểu biết về tái sinh và nghiệp, từ quan điểm Phật giáo, chúng ta phải nhìn vào chúng sinh, những trải nghiệm của họ, và môi trường xung quanh họ. Có một thuật ngữ được dùng trong các kinh điển Phật giáo để chỉ những hiện tượng này – đó là ảo tưởng / hay là huyễn hoặc. Các kinh điển nói về cuộc đời của một chúng sinh bình thường, bao gồm môi trường xung quanh, các sự kiện, và các điều kiện – là huyễn hoặc.

Trong kinh Mật điển, có ba loại huyễn ảnh /ảo tưởng. Loại đầu tiên và dài nhất là khi ta bắt đầu từ vô thủy cho tới trước khi đạt được giác ngộ – gọi là huyễn ảnh của luân hồi. Loại thứ hai bắt đầu từ khi chúng sinh sinh ra cho đến lúc chết. Nó kéo dài một kiếp sống, và gọi là huyễn ảnh của cuộc đời. Loại thứ ba là ngắn nhất và diễn ra trong giấc ngủ – từ lúc bắt đầu ngủ cho đến khi thức giấc – loại này gọi là huyễn ảnh của giấc mơ. Tất cả ba loại này đều là những huyễn ảnh có tác động như nhau, chỉ khác duy nhất là mức độ kéo dài của từng loại. Theo quan điểm Mật thừa, đây là một cách nhìn vào toàn bộ sự sinh tử của chúng sinh.

Mỗi một huyễn ảnh có một gắn kết chung để giữ chúng lại với nhau, giống như các hạt của tràng hạt được gắn với nhau bởi một sợi dây nhỏ. Huyễn ảnh của luân hồi bị nắm giữ bởi “cái tôi”. Bất kể là sinh ra ở cõi giới người hay là súc sinh, trong địa ngục hay thiên đường “cái tôi” luôn hiện diện. Cho đến trước khi đạt được giác ngộ thì “cái tôi” vẫn còn. Huyễn ảnh về kiếp sống được củng cố bởi nghiệp riêng biệt mà hiển thị đối với từng cá nhân. Nghiệp được tạo ra và tập trung vào bản ngã của cá nhân. Huyễn ảnh thứ ba, giấc mơ phụ thuộc vào tiềm thức của cá nhân. Loại tiềm thức này thể hiện trong giấc mơ. Điều này nghĩa là bạn không thể mơ về những điều mà bạn không trải nghiệm trực tiếp hoặc là gián tiếp. Đôi khi giấc mơ là sự nhận biết trước do mối liên hệ mạnh mẽ của tiềm thức với một vài trường hợp được gọi là trực giác. Nhưng nó cũng có thể là nỗi ám ảnh thể hiện qua giấc mơ do bạn nghĩ về một điều gì quá nhiều. Cũng có thể do bạn lo lắng về một vấn đề và vì lý do nào đó nó thể hiện trong những giấc mơ, và do vậy không ích lợi cho bạn. Những giấc mơ đến từ tiềm thức cá nhân, rồi chính bản ngã của cá nhân giữ huyễn ảnh giấc mơ lại cùng với nhau.

Ba loại huyễn ảnh này được chứa đựng trong bản ngã, và đều liên quan với cái tôi trong cùng một cách thức. Tái sinh thường liên quan đặc biệt với loại huyễn ảnh về cuộc đời, và tiếp tục cho tới huyễn ảnh của kiếp sống sau. Giữa các huyễn ảnh của các kiếp sống có một giai đoạn quan trọng – được gọi là giai đoạn trung gian (hay là trung ấm. ND) sẽ được đề cập chi tiết sau.

Sự tái sinh trả lời cho chúng ta nhiều câu hỏi. Tại sao người này giàu có nhưng người khác lại nghèo? Tại sao có người ốm yếu trong khi người khác lại khỏe mạnh? Tại sao mọi người lại nhìn, nghĩ, và sống khác nhau? Tại sao có người sinh ra trong quốc gia thường xảy ra chiến tranh tàn khốc, nhưng người khác thì sinh ra trong một quốc gia thanh bình? Khi một người tái sinh, thì kiếp sống hiện tại của người này là sự thể hiện của nghiệp cá nhân – đó là các nhân và duyên đã tạo từ các kiếp sống trước. Đó cũng là nhân của bất kỳ hoàn cảnh nào mà một người đang trải nghiệm. Hiểu biết điều này (nhân – duyên) là nền tảng quan trọng cho sự hiểu biết toàn bộ lời dạy của Đức Phật.

Nghiệp và tái sinh là thuộc về mức độ chân lý tương đối. Ngay một cá nhân ở trong một hoàn cảnh nhất định – có thể là một hoàn cảnh tồi tệ – ở cùng thời điểm đó người này vẫn có khả năng trở thành giác ngộ. Mọi người đều có khả năng như nhau để trở thành giác ngộ. Đó là chân lý tuyệt đối. Đó là lý do tại sao điều này là nỗ lực xứng đáng để lọc sạch và sửa chữa những hiểu lầm trong chính chúng ta và những người khác. Nếu các hoàn cảnh là đúng đắn, nếu có những người cố gắng với lòng bi mẫn để giúp người khác, thì trí tuệ của họ có thể tăng trưởng. Một người tội lỗi có thể trở thành người tốt. Về bản chất tối thượng mọi người là hoàn hảo, là một vị phật. Mặc dù vậy, ở khía cạnh tương đối, mọi người có nhiều điều không hoàn hảo cho đến khi tỉnh thức của họ đạt được ở mức độ nhất định. Tái sinh và nghiệp cho phép chúng ta hoạt động hướng tới tỉnh giác ở mức độ tương đối. Trong một ý nghĩa nhất định, chúng là phương tiện giúp chúng ta tinh tấn.

Có một số hiểu sai về nghiệp (karma). Nhiều người nghĩ nghiệp là không thể thay đổi. Họ nói “Ồ đó là nghiệp” và họ từ bỏ (nỗ lực thực hành). Tại sao điều đó lại xảy ra? Quan điểm này là kết quả của tư tưởng xem nghiệp là bản chất cốt lõi. Ở khía cạnh tuyệt đối, nghiệp không tồn tại, nhưng nói một cách tương đối, mọi thứ đều là nghiệp, do vậy nghiệp là chân lý tương đối. Nghiệp là tương đối nên có thể thay đổi. Nó không phải là bất di bất dịch. Nếu nghiệp là chân lý tuyệt đối, phật có thể không bao giờ tồn tại, bởi lẽ làm thế nào một người có thể trở thành phật? Ở khía cạnh chân lý tuyệt đối, nếu nghiệp không thể hủy bỏ thì điều đó không thể xảy ra. Nghiệp là chân lý tương đối – lời dạy này luôn được nhắc trong các Kinh điển, Giới luật, Luận tạng, và Mật điển. Dù chúng ta có bất kỳ loại “nghiệp xấu” nào, thì luôn luôn có cách để thanh lọc.

Đức Kenting Tai Situpa XII
Việt dịch: Nguyên Toàn