Tulku Thondup Rinpoche

Mở rộng tâm với lòng từ bi

Bản ghi lại buổi nói chuyện ở Marion, Mass, vào ngày 29 tháng 12 năm 1992.

Trong chương này tôi sẽ nói về lòng bi và sự thiền định trên lòng bi. Nhưng trước khi đi vào lòng bi, tôi muốn nhắc đến đôi điều quan trọng, sẽ làm chúng ta dễ dàng hiểu được lòng bi là gì, làm sao để phát triển và làm thế nào có thể lợi ích.

Trong Phật giáo, tâm là trọng điểm chính – suối nguồn của mọi hạnh phúc và bất hạnh, và là chìa khóa đến giác ngộ. Lẽ dĩ nhiên sự nhấn mạnh về tâm này làm một số người nói, “những Phật tử là vị kỷ; họ sống trong cô tịch và thiền định một mình chỉ để giữ gìn cẩn thận tâm họ và đạt được sự mãn nguyện cá nhân. Họ không ra ngoài và làm việc trong đường phố với người cần họ phục vụ,” v.v…

Tuy nhiên, như bạn biết, trong Phật giáo phổ thông và nhất là trong Phật giáo Đại Thừa, phần quan trọng nhất của thực hành là để phát triển điều chúng ta gọi là bồ đề tâm, tâm của sự giác ngộ. Đây là thái độ nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ người khác, phục vụ người khác và áp dụng vào hành động không có bất cứ động cơ ích kỷ nào. Đó là điểm quan trọng nhất trong Phật giáo. Lẽ đương nhiên, việc Phật tử thực sự theo đuổi một cuộc sống như thế hay không là vấn đề của riêng cá nhân họ. Nhưng những gì Phật giáo hay giáo lý đạo Phật dạy chúng ta là nên cống hiến toàn bộ cuộc sống, toàn bộ quan điểm, và mọi hành động của chúng ta chỉ để phục vụ người khác, để mở rộng thân, tâm mình đến người khác, đến toàn thể pháp giới. Khi mở rộng tâm mình đến người khác, chúng ta cũng mở rộng chính mình và phục vụ chính chúng ta. Do vậy quan điểm nhận trách nhiệm phục vụ người khác đáp ứng hai mục đích.

Chúng ta phục vụ người khác như thế nào? Mục tiêu là để phục vụ người khác, nhưng chúng ta bắt đầu ra sao? Chúng ta phải bắt đầu với chính mình. Nếu tôi có ý định phục vụ bạn, tôi phải bắt đầu với chính tôi, bằng cách cải thiện quan điểm và hành vi để làm tôi trở thành một người phục vụ tốt cho bạn. Nếu không, thậm chí ngay cả khi tôi cố phục vụ bạn, tôi sẽ không thể làm được như vậy một cách thích hợp. Trước tiên chúng ta phải cải thiện chính mình.

Chúng ta có thể cải thiện tâm mình chỉ khi chúng ta có thể rèn luyện tự chủ tâm. Nếu tâm tôi tàn độc, bất cứ những gì tôi nói đều là lời lẽ của thô bạo và bất kỳ những gì tôi làm một cách trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ làm hại người khác và cả chính tôi. Nhưng nếu có lòng bi, hiền lành, và trí tuệ trong tâm thức và tấm lòng, thì bất cứ những gì tôi nói sẽ là lời lẽ của tình thương, an bình, hoan hỷ, và bất kỳ những gì tôi làm đều sẽ phục vụ và lợi ích người khác. Do vậy, để phục vụ người khác, chúng ta phải bắt đầu với chính mình, và để cải thiện chính mình, chúng ta nên bắt đầu với tâm thức, bằng cách rèn luyện nó và phát triển Bồ đề tâm. Và điều đó là tinh hoa tiếp cận của đạo Phật.

Câu hỏi kế tiếp, “Tâm là gì?” có hai phương diện: tâm giác ngộ và tâm khái niệm.

Tulku Thondup Rinpoche

Harold Talbort biên soạn

Việt Dịch: Tuệ Pháp

Trích Tác phẩm: Hành Trình Giác Ngộ – Tu tập Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Nhà xuất bản Tôn Giáo