Tulku Thondup at Dodrupchen Monestary.

Tâm Giác Ngộ và Tâm Khái Niệm

Tâm giác ngộ, hay Phật tánh, là thật tánh của mỗi người. Đạo Phật tin rằng tất cả chúng sanh, không chỉ nhân loại mà còn loài vật, bao gồm côn trùng nhỏ nhất, đều có tâm giác ngộ. Thật tánh của tâm là sự giác ngộ, và nó là an bình và trong sáng. Bản tánh an bình và trong sáng của tâm có thể hiểu được qua cuộc sống hàng ngày của chính chúng ta và qua trí tuệ đạo Phật.

Tất cả chúng ta hầu như có thể chắc chắn rằng nếu tâm không bị quấy động bởi các sự kiện bên ngoài, các cảm xúc tranh dành, hoặc khái niệm chấp cứng, thì nó trở nên an bình. Tâm chúng ta càng trở nên an bình thì nó càng trong sáng. Nó giống như nước, trong trẻo và yên tĩnh nếu không bị ô nhiễm hay khuấy động. Nó giống như bầu trời, thanh khiết và trong sáng nếu không bị ô nhiễm và che phủ bởi mây. Tương tự, khi tâm không bị khích động bởi cuộc sống lôi cuốn và cảm xúc náo loạn, thì nó an bình. Càng trở nên an bình, tâm càng có trí tuệ và trong sáng.

Cảm xúc nhiễu loạn không chỉ sự yên tĩnh của chúng ta, mà còn ảnh hưởng đến sự trong sáng của tâm ta. Đó là điều chúng ta thường nghe lời phàn nàn, “Tôi thật là giận, chẳng thể tính toán được bất kỳ thứ gì ,” hoặc “Tôi thật bối rối, chẳng thể hiểu được bất kỳ gì cả; tôi không thể thấy mọi sự.” Khi cảm xúc hoặc tốc độ bận rộn của cuộc sống làm chúng ta choáng ngợp, tâm trở nên hoàn toàn bị mù quáng hay trống rỗng, không có nhiều trí tuệ hoặc khả năng.

Trạng thái tự nhiên của tâm là yên tĩnh và trong sáng, không chỉ đem tâm trở về trạng thái này mà điều quan trọng là để cải thiện cuộc sống chúng ta. Phật giáo thậm chí còn đi vượt lên điều này. Đạo Phật tin rằng bản tánh thật sự của tâm, tự tâm thực tế, là giác ngộ. Tâm giác ngộ là rộng mở, nhất như, và toàn giác.

Đối với tâm giác ngộ được rộng mở, khi tâm giác ngộ thấy sự vật, nó không khái niệm hóa trong cách nhị nguyên. Nó thấy mọi sự như một trong tánh giác trí tuệ tự nhiên chính nó, giống như hình tướng phản chiếu trong một gương.13 Nếu không sử dụng khái niệm nhị nguyên thì bạn hoàn toàn rộng mở đến toàn bộ pháp giới, giống như không gian, hoàn toàn rộng mở, không có biên giới hay hạn chế. Tuy nhiên, chúng ta thường sử dụng khái niệm nhị nguyên. Khi thấy cái bàn, chúng ta nghĩ, “Đó là một cái bàn,” và chúng ta thấy nó ở đó như một đối tượng. Khi chúng ta nghĩ về cái bàn như một đối tượng, chúng ta định vị tâm mình là chủ thể, và do vậy tính nhị nguyên được thiết lập. Tính nhị nguyên được đi theo bởi tư duy phân biệt – “Đây là một cái bàn tốt, một bàn xấu, v.v…” – và từ đó chúng ta dựng nên một thế giới cứng ngắc của những bức tường và rào cản. Trái lại, tâm giác ngộ thấy sự vật một sự rộng mở hoàn toàn, không có bất cứ điều kiện nào.

Nếu có rộng mở hoàn toàn, thì không thể có bất cứ biên giới nào, vì không có sự phân chia chủ thể và đối tượng. Do vậy, dĩ nhiên mọi sự là một, bất nhị. Nếu mọi sự là một, thì không thể có bất kỳ xung đột hay mâu thuẫn, vì xung đột và mâu thuẫn hiện hữu với điều kiện có hai hay nhiều quan điểm.

Bây giờ bạn có thể suy nghĩ, “Điều đó có nghĩa tâm giác ngộ là một loại trạng thái ngủ say hay trống không, vì ngay cả nó không thể thấy các đối tượng.” Không. Trái lại, tâm giác ngộ là toàn giác. Tâm giác ngộ thấy mọi thứ. Không chỉ là mọi sự, mà mọi sự một cách tự nhiên. Đó là phẩm tính của tâm Phật.

Xét theo một nghĩa, tâm giác ngộ thật xa lạ với chúng ta thậm chí khó có thể nghe về nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể có một ý niệm sơ qua về nó qua những câu chuyện “các kinh nghiệm cận tử,” mà tôi thường yêu thích trích dẫn. Dĩ nhiên một số kinh nghiệm này có thể chỉ là những ảo giác hoặc do thuốc gây ra. Nhưng trên tổng thể, có một số điều kỳ lạ bộc lộ trong những kinh nghiệm đó.

Ngay cả người không cần nhận ra tâm giác ngộ cũng có một số kinh nghiệm bên trong hay tâm linh trong suốt tiến trình chết, trước khi trở lại cuộc sống. theo những gì tôi đã đọc trong sách và nghe kể lại, nhiều người kinh nghiệm đi qua một đường hầm và gặp ánh sáng tại cuối đường. Ngay khi tiếp xúc với ánh sáng họ cảm thấy an bình và cực lạc kỳ lạ. Nhưng điều kỳ lạ nhất mà họ nói là sự an bình và cực lạc đó là ánh sáng, và ánh sáng là cực lạc và an bình. Những gì họ cảm thấy là ánh sáng, và họ bất khả phân với ánh sáng ấy. Do vậy, những người này có một kinh nghiệm là không thông qua nguồn của tâm nhị nguyên thường lệ. Ánh sáng không chỉ là một công cụ đem họ an bình. Ánh sáng là an bình và họ là ánh sáng, và như vậy, chủ thể, đối tượng, kinh nghiệm tất cả đều là một.

Một người đàn ông khác kể chuyện sau khi chết một vài phút, ông ta thấy mọi sự đã xảy ra trong cuộc đời ông, từ khi sinh đến lúc chết. Ông không chỉ thấy từng sự kiện tiếp nối – mà thấy lập tức toàn bộ cuộc đời ông. Ông không thực sự thấy bằng mắt hoặc biết bằng tâm, mà chỉ nhận biết mọi thứ một cách sống động.

Do vậy, tâm giác ngộ thật sự không quá xa lạ. Chúng ta có thể kinh nghiệm tất cả nó khi nhận ra chân lý, hoặc tại một số mối nối quan trọng của cuộc sống. Nhưng nếu bạn không là một thiền giả, có thể bạn không nhận ra tâm giác ngộ khi kinh nghiệm nó và sẽ lại sao lãng bởi cảm xúc, và hệ thống dựa trên khái niệm của thế gian.

Tâm khái niệm

Tâm khái niệm là những gì xảy ra khi tâm giác ngộ bị chướng ngại bởi cảm xúc và khái niệm che phủ. Nó là diện mạo của tâm kinh nghiệm sự vật qua khái niệm nhị nguyên, bám chấp vào bản ngã, tư duy phân biệt, và kinh nghiệm đau khổ.

Ví dụ – khi một cái bàn xuất hiện trước chúng ta, chúng ta lập tức ghi nhận, “Đây là một cái bàn.” Làm như vậy, chúng ta quan niệm cái bàn là một đối tượng, và tâm ta tự động trở thành chủ thể, và do vậy tính nhị nguyên (gNyis ‘Dzin) được thiết lập.

Chính vào lúc suy nghĩ nhị nguyên bắt đầu, chúng ta “bám chấp vào bản ngã” (bDag ‘Dzin), có nghĩa chúng ta chấp vào đối tượng như một thực thể có thật. Trong Phật giáo, sự bám chấp tinh thần không chỉ là sự chấp ngã hoặc “cá nhân” (Gang Zag), cái tôi, là tôi, và của tôi, mà còn bám chấp vào “hiện tượng hiện hữu” (Tạng, Ch’os, Phạn, dharma – pháp), như cây cối, cái bàn, bạn bè, hoặc người nào đó.

Tulku Thondup Rinpoche

Harold Talbort biên soạn

Việt Dịch: Tuệ Pháp

Trích Tác phẩm: Hành Trình Giác Ngộ – Tu tập Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Nhà xuất bản Tôn Giáo