Tulku-Thondup

Lòng Bi

Đạo Phật đưa ra loại rèn luyện nào để giúp chúng ta đi từ tiêu cực đến tích cực và sau đó đến hoàn thiện? Tất nhiên vô số thực hành thiền định của đạo Phật đều dành cho mục đích này. Nhưng hôm nay, chúng ta đang nói về lòng bi, do vậy lòng bi sẽ được chọn như phương tiện xóa bỏ chu trình của tâm khái niệm.

Lòng bi có ba khía cạnh. Điều này không cần thiết giải thích đúng nguyên văn, nhưng tôi cố gắng sắp xếp để chúng ta dễ hiểu. Trước tiên, là lòng bi tích cực, nó giới hạn, có cảm xúc và dựa trên khái niệm, nhưng là một tiếp cận tích cực. Thứ hai là lòng bi phổ quát, mặc dù vẫn còn dựa trên khái niệm nhưng rộng hơn lòng bi tích cực vì nó phổ quát. Đây là cách tiếp cận hùng mạnh nhất đến sự cống hiến lòng bi của tâm khái niệm. Cuối cùng là lòng bi của đức Phật, sự toàn khắp hay năng lực tỏa khắp (Thugs rJe Kun Khyab) được sở hữu bởi đức Phật. Đây là sự viên mãn của lòng bi.

Để bắt đầu, chúng ta thiền định trên lòng bi tích cực. Để phát triển lòng bi, chúng ta suy nghĩ chú tâm một điểm về người nào đó đang đau khổ, và nghĩ về cảm giác đau khổ của họ nhiều lần. Chúng ta cảm nhận sự đau khổ của người đó bằng việc đặt chính mình vào chỗ của họ. Kết quả là, từ tận đáy lòng, một lòng bi vô điều kiện phát sinh, cùng với một cảm giác quyết tâm nhận trách nhiệm làm nhẹ bớt nỗi đau của người này, đem đến hạnh phúc và giác ngộ cho họ. Thái độ quan tâm và quyết định nên được áp dụng vào thực hành qua sáu hoàn thiện (Tạng, Phar Phyin, Phạn, paramita) như sự rộng lượng và khoan dung. Lòng bi này là nhị nguyên và dựa trên khái niệm và được thúc đẩy bằng cảm xúc, nhưng nó là một thái độ tích cực và dẫn đến hành động tích cực cố gắng làm những điều tốt nhất cho người khác mà chúng ta có thể.

Sau đó điều gì xảy ra? Dĩ nhiên tất cả các bạn đều đồng ý rằng quan tâm đến người khác là điều tuyệt vời. Nhưng còn hơn như vậy nữa, nó tạo ra nghiệp tốt, công đức, và lợi ích cho người khác và chính chúng ta. Ngoài ra, khi đưa tay ra giúp người khác một cách tình cảm, chúng ta phá bỏ và tiêu diệt những rào cản tâm thức, những phòng ngự tình cảm, và sự phân biệt giữa tôi với bạn, giữa bạn bè tôi và kẻ thù tôi, điều này làm chia cắt tôi với bạn, chúng ta với người khác, chủ thể khỏi đối tượng.

Ở đây, chúng ta không bám chấp vào danh hiệu của cái tôi, bạn bè tôi, v.v… Tâm thương yêu, quan tâm, hoàn toàn rộng mở của chúng ta với đầy đủ sức mạnh của cảm xúc tích cực, đẩy chúng ta tới những người đau khổ. Chúng ta đưa tay ra từ tận đáy lòng đến những người đang đau khổ, và sau đó đến tất cả không giới hạn. Ngoài ra, phá bỏ lớp vỏ tâm thức và giúp đỡ không phân biệt, sức mạnh tình cảm dạt dào của lòng bi này khuấy động và giải phóng mọi cảm xúc, khái niệm không thích hợp và nhiễm độc mà chúng ta đã tàng trữ.

Mặc dù loại lòng bi này là cảm xúc và dựa trên khái niệm, nhưng nó là tích cực. Và khi đầy dẫy những khái niệm và cảm xúc, chúng ta nên dùng chúng với sự thuận lợi nhất của mình để đẩy chúng ta trên con đường tích cực. Nếu có thể phát triển lòng bi như vậy trong tâm thức, thì bất cứ những gì chúng ta làm sẽ trở thành một hoạt động của lòng bi và là một suối nguồn của hạnh phúc cho người khác và chính chúng ta.

Hoàn toàn mở rộng tâm chúng ta với toàn bộ pháp giới trong lòng bi là lòng bi phổ quát. Trong đó, chúng ta không cần thiết tập trung vào một người hay một vài người đang đau khổ, mà là trên tất cả – toàn bộ pháp giới. Trong thực tế, tất cả chúng sanh đều đau khổ trên chu trình của sự thay đổi của loại đường rầy có nhiều đoạn ngoặt gấp và những đoạn rất dốc. Thậm chí đôi khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống hoàn hảo, nhưng rồi nó sẽ thay đổi. Do vậy, chừng nào chúng ta còn trong chu trình thay đổi này, chúng ta còn trong lãnh vực của đau khổ.

Tuy nhiên chúng ta không cần thất vọng về điều này, vì chúng ta có thể cải thiện tương lai mình bằng việc cải thiện tâm qua sự phát triển lòng bi. Như đã đề cập đến trong lòng bi tích cực, chúng ta nên suy nghĩ nhiều lần và cảm nhận nỗi đau khổ của toàn bộ pháp giới để phát triển một lòng bi mạnh mẽ giúp vươn tới tất cả và nhận trách nhiệm dẫn dắt tất cả đến hạnh phúc và giác ngộ, không giới hạn hay phân biệt. Tâm lý học, cảm xúc, và sinh lý, những điều này mở ra và trải rộng tâm và năng lượng đến người khác và chính chúng ta, đến toàn thể pháp giới. Nó giúp chúng ta đi vượt lên sự xác định lòng bi chật hẹp về chính mình, gia đình, con cháu chúng ta, hoặc một người đặc biệt nào trong sự đau buồn. Nếu chúng ta có thể mở rộng tâm hoàn toàn không có bất cứ biên giới, giới hạn, hay phân biệt nào đến pháp giới vô tận, thì đó là lòng bi và sự rèn luyện tâm linh tốt nhất có thể với tâm cảm xúc và khái niệm. Tâm thức, năng lượng, và hành động chúng ta sẽ biểu thị lợi ích cho tất cả, bất chấp ai, dù là bạn bè hay kẻ thù, hoặc bề ngoài của họ đau khổ hay hạnh phúc.

Sự viên mãn hoàn toàn của lòng bi là lòng bi của đức Phật. Lòng bi của Phật là khía cạnh phổ quát hoặc năng lực tỏa khắp của Phật tánh. Nếu nhận ra và hoàn thiện tâm giác ngộ, chúng ta sẽ thành Phật, và năng lực tỏa khắp sẽ là lòng bi Phật của chính chúng ta.

Nhưng, một lần nữa, đây là mục đích cuối cùng, không phải mục tiêu tức thời, mục tiêu tức thời của chúng ta là phát triển lòng bi tích cực, một lòng bi cảm xúc và dựa trên khái niệm hướng đến những người đang đau khổ. Chúng ta cần bắt đầu với một người đang đau khổ, sau đó trải rộng ra đến nhiều người hơn và phát triển một cam kết, một quyết tâm, từ tận đáy lòng, “Tôi nhận trách nhiệm giúp đỡ người này.” Sau đó chúng ta không chỉ ngưng lại với những tư duy tích cực, mà còn áp dụng chúng với việc làm tích cực.

Tulku Thondup Rinpoche

Harold Talbort biên soạn

Việt Dịch: Tuệ Pháp

Trích Tác phẩm: Hành Trình Giác Ngộ – Tu tập Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Nhà xuất bản Tôn Giáo