GK68-Thaganapa

Thaganapa – Kẻ dối trá

Nhỏ nước vào trong tai
Nghiêng tai nước ra ngoài
Các hiện tượng đương thời
Cũng chỉ là hư dối
Sự thật là như vậy
Ngươi đã thấy đấy thôi.

Truyền thuyết

Thaganapa sinh ra một gia đình nghèo khó ở miền đông Ấn Độ. Anh ta kiếm sống bằng các thủ đoạn lừa đảo, gạt gẫm kẻ khác.

Một ngày nọ, trong khi anh ta đang ngồi bên lề đường suy tính mưu kế hại người, thì chợt có một nhà sư đi ngang qua chỗ của y.

Sư hỏi: “Chẳng hay hiền hữu làm gì mà ngồi nơi đây?”

“Bạch đại đức! Xin ngài chớ hỏi. Tôi không quen nói sự thật.”

“Này hiền hữu! Đừng dối trá! Nếu hiền hữu nói những lời không thật, khi nghiệp đến, người sẽ đọa vào địa ngục. Càng dối trá, càng nặng nghiệp, hậu quả là hơi thở luôn có mùi hôi hám, chẳng ai tin tưởng mình. Ruộng vườn của hiền hữu không còn phì nhiêu, màu mỡ, hạt giống không thể nảy mầm. Khi đọa xuống địa ngục, lưỡi của hiền hữu sẽ bị cày xới.”

Nghe sư nói, Thaganapa hoảng kinh: “Thưa thầy! Ngựời ta gọi tôi là Thaganapa vì tôi là một kẻ luôn nói dối. Từ lâu nay đã thành thói quen, e rằng khó sửa đổi.”

“Người có thể tu tập thiền định không?”

“Thưa thầy! Thói quen ấy xem chừng khó bỏ.”

“Không hề gì! Nếu biết quay đầu về với chánh pháp, kẻ nặng nghiệp cũng có thể tu tập.”

Thaganapa vui mừng khẩn khoản: “Đệ tử cúi đầu xin thầy từ bi tế độ.”

Sư dạy: “Tất cả các pháp trong thế gian này vốn là hư huyễn, không thật, giống như những lời dối trá của ngươi từng thốt ra. Cũng thế, những gì ngươi cảm thọ, thấy, biết, nói, nghe bằng giác quan đều hư vọng, không có thực tính. Vậy từ nay, ngươi hãy tập quán tưởng tất cả các pháp của thế gian đồng với sự hư dối. Thế gian này được cấu thành bằng sự hư dối.”

Sau khi lãnh thọ giáo pháp, Thaganapa tu tập thiền định suốt bảy năm thì ngộ được các pháp vốn là duyên hợp, hư dối, không bền, bèn tìm đến thầy mình xin ấn chứng.

Nhưng sư bảo: “Các pháp vốn không thật, không giả. Chân lý là chân lý. Không ai có thể tạo ra chân lý hay xác lập chân lý. Vì thế, ngươi hãy quán rằng cái mà ngươi tự cho là chứng ngộ cũng chỉ là một sự rỗng không. Một sự rỗng không từ trong bản thể, như vậy mới vào được đạo.”

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo