Mural in Samye Monastery showing Trisong Detsen receiving Guru Rinpoche

Sử dụng trên con đường sự mất mát và thịnh vượng

  • Sử dụng sự mất mát trên con đường
  1. Dù luôn sống túng quấn và bị người khác khinh bỉ, phiền não với các bệnh tật khủng khiếp và trở thành nạn nhân của các thế lực xấu. Nhận lấy khổ đau và tội ác của tất thảy chúng sinh và không chút nản lỏng là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Vô số người trên thế giới này bị tước đoạt mọi thứ – thức ăn, quần áo, nơi cư ngụ, sự yêu quý. Họ khó có thể sống sót. Rất nhiều người là nạn nhân của việc đối xử tệ bạc, hay bị ốm nặng.

Khi chính bạn chịu đựng những dày vò này, hãy cầu mong với lòng từ bi và dũng cảm nhận lấy tất cả khó khăn và đau đớn của chúng sinh và cho họ tất cả hạnh phúc bạn có. Hãy cố gắng cung cấp cho người khác bất cứ điều gì họ cần, một cách thật sự. Hãy quán chiếu về những phẩm tánh tốt đẹp của khổ đau.

Trên thực tế, khổ đau có thể rất hữu ích trong nhiều cách. Nó thúc đẩy động cơ của bạn, và, như rất nhiều giáo lý chỉ ra, không có khổ đau sẽ chẳng có lòng quyết tâm thoát khỏi luân hồi. Nỗi buồn là phương pháp đối trị hiệu quả cho kiêu mạn. Ngài Patrul Rinpoche từng nói:

Tôi không thích hạnh phúc, tôi thích khổ đau;

Nếu tôi hạnh phúc, năm độc sẽ hiện lên.

Nếu tôi khổ đau, các nghiệp quá khứ sẽ biến mất.

Tôi không đánh giác địa vị cao sang, tôi thích địa vị thấp.

Nếu tôi quan trọng, kiêu mạn và ích kỷ sẽ phát triển.

Nơi thấp nhất là trụ xứ của các vị Thánh trong quá khứ.

Và ngài Kharak Gomchung[1] nói:

Khó khăn là vị thầy tâm linh của chúng ta;

Chướng ngại là chất xúc tác cho thực hành Pháp;

Khổ đau là cây chổi quét sạch ác hạnh,

Đừng ghét chúng.

Thực tế, khi thời điểm khó khăn và nghịch cảnh khởi lên, điểm khác biệt giữa thực hành chân chính và sự giả bộ sẽ được phát lộ.

Có rất nhiều tinh linh xấu khao khát giết người. Cách tốt nhất để khiến chúng không làm hại bạn là không gây chiến với chúng bằng sự sân hận mà hãy làm hài lòng chúng bằng cách liên tục quán tưởng vật phẩm cúng dường là thân bạn. Cho đến khi bạn thực sự sẵn sàng từ bỏ cuộc đời và thân xác vì lợi lạc của người khác, điều mà chưa xảy ra vào hiện tại, ít nhất bạn nên thực hiện nó về tinh thần [bằng cách quán tưởng: ND]. Khi tâm bạn trở nên quen với tình yêu thương và lòng bi mẫn vị tha, những lời nói và hành động của bạn sẽ tự nhiên phản ánh thái độ đó.

Khi năm vị rakshasa, những kẻ như quỷ dữ sống bằng máu và thịt, đến một đất nước, mà mới lạ với họ và bắt đầu việc sát hại người khác. Họ bắt đầu bằng việc tấn công các con cừu, cố gắng giết mọi thứ trong tầm ngắm của vũ khí và bằng răng, vuốt sắc nhọn, nhưng vô ích – chúng không thể giết được con vật nào, mà thậm chí không thể làm chúng bị thương. Các chúng sinh ở vùng đất đó có vẻ không dễ bị tổn thương, như thể được làm bằng đá. Sự tức giận của họ nhường chỗ cho lòng kinh ngạc. Họ hỏi vài người chăn cừu: “Tại sao chúng ta ko thể giết bất cứ con cừu nào của các người?” Người chăn cừu đáp rằng vương quốc được cai trị bởi vị vua gọi là Sức mạnh của Yêu thương. Ngài giành toàn bộ thời gian ở ngọn tháp cao nhất trong cung điện, tập trung vào thiện định sâu sắc về từ bi và yêu thương. Sức mạnh của yêu thương từ ngài lớn đến mức không có chúng sinh nào trong vương quốc của ngài có thể bị sát hại.

Năm vị rakshasa đến gặp nhà vua. Họ nói với ngài rằng, để tồn tại, họ cần phải ăn thịt và máu, nhưng họ không thể tìm thấy gì trong vương quốc này. Nhà vua đáp: “Ta muốn các ngươi sống, nhưng ta không cho phép các người làm hại bất kì ai. Bởi các ngươi cần thịt và máu để duy trì sự sống, chính ta sẽ cho các ngươi”. Cắt thịt bằng một thanh gươm, ngài cho họ máu và thịt của chính mình. Ngay khi họ uống máu của vị vua Bồ Tát, lập tức họ trải nghiệm trạng thái thiền định sâu sắc về yêu thương. Họ thề sẽ không bao giờ làm hại ai.

Câu chuyện cho thấy sức mạnh của tình yêu thương. Sức trang hoàng của Kinh điển Đại thừa có đề cập đến tám phẩm hạnh siêu việt khởi lên từ việc thiền định về yêu thương[2]. Ngài Patrul Rinpoche nói rằng thiền định về yêu thương làm xoa dịu tất cả tai ương và chướng ngại trong vùng xung quanh. Đức Jetsun Milarepa cũng nói rằng đối xử với con người như là các bậc thánh là tặng một kho báu cho chính mình; nếu chúng ta chỉ muốn hạnh phúc cho người khác và tràn đầy tình yêu thương, nó sẽ mở ra suối nguồn những sự hoàn ảo, và mọi khẩn nguyện của chúng ta sẽ tự nhiên thành tựu.

  • Sử dụng thịnh vượng trên con đường
  1. Dù tôi có thể nổi tiếng, được nhiều người kính trọng và giàu có như Vị trời Tài bảo. Nhận thấy giầu sang và vinh quang của cuộc đời đều không thực và thoát khỏi tâm kiêu mạn là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Một vị Bồ Tát thấy rằng tài sản, sắc đẹp, tầm ảnh hưởng, giàu sang, gia đình – thực tế, tất cả các mối bận tâm thế tục của cuộc đời này – đều trôi qua như tia chớp, ngắn ngủi như giọt nước mắt, trống rỗng như bong bóng, không ổn định như da rắn. Ngài không bao giờ tự phụ hay tự hào, dù thành tựu thế gian và đặc quyền nào đến với ngài.

Dù bao nhiêu tài sản bạn tích lũy, cuối cùng nó cũng sẽ bị lấy đi, bởi lũ trộm, những người có quyền lực, hay cuối cùng, bởi cái chết. Nếu con cháu bạn thừa kế nó, cũng chẳng thể chắc chắn nó sẽ làm cho họ điều gì tốt lành thực sự; họ có thể sử dụng nó để đánh bại kẻ thù, gây ảnh hưởng với họ hàng, và nhiều điều khác, tích lũy rất nhiều các ác hạnh, đẩy họ vào các cõi thấp hơn.

Ngài Jetsun Milarepa luôn dậy các đệ tử cư sĩ rằng cách tốt nhất để thành tựu Pháp là hào phòng với những người túng thiếu. Thậm chí một hành động bố thí nhỏ bé được thực hiện với tâm vị tha cũng tích lũy công đức lớn lao. Nếu bạn có sức mạnh và tài sản, hãy làm cho nó ý nghĩa: sử dụng nó vì Pháp và để làm lợi lạc chúng sinh, như ba vị vua vĩ đại xứ Tây Tạng[3] đã làm. Mặc khác, dù hiện tại bạn giàu hay nghèo, keo kiệt là hạt mầm của sự tái sinh vào các tinh linh vị dày vò, những kẻ bị tước đoạt mọi thứ.

Hãy cầu nguyện để có thể noi theo tấm gương các vị Bồ Tát vĩ đại, người nhờ sự bố thí trong quá khứ và công đức tích lũy được, đã sinh ra làm các vị vua quyền lực với rất nhiều của cải, đã sử dụng chúng để giúp đỡ người nghèo, và xoa dịu nạn đói, bệnh tật. Bên cạnh việc chăm lo cho hạnh phúc vật chất của người dân, các ngài dạy họ tránh mười ác hạnh[4] và làm mười thiện hạnh. Nhờ các hoạt động từ bi đó, không ai trong vương quốc của ngài tái sinh vào các cõi thấp. Mùa màng bội thu, thịnh vượng và hạnh phúc cơ bản rất dồi dào.

Hãy nghĩ rằng: “Nguyện cho những điều mà chúng sinh, dù là con côn trùng bé nhất cần đều được đáp ứng”. Hãy sử dụng tài sản của bạn theo cách tốt nhất để giúp đỡ người khác. Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng cung cấp cho người khác những thứ nhu yếu phẩm hàng ngày như thức ăn, quần áo, nơi cư ngụ và nhiều thứ khác. Cùng lúc đó, hãy cầu nguyện để hoàn thành các nhu cầu tuyệt đối của họ, bằng cách tặng họ món quà Chánh Pháp.

[1] Kharak Gomchung, một đạo sư Kadampa thế kỷ 11 là một trong những tấm gương hoàn hảo nhất về một người từ bỏ, ngài từ bỏ mọi hoạt động không phải thực hành tâm linh. Nghĩ về cái chết chắc chắn sắp xảy đến, ngài thậm chí không bước ra khỏi động, không phát quang bụi rậm trước cửa, nghĩ rằng sẽ thật lãng phí thời gian nếu ngài chết vào hôm đó. Ngài nổi tiếng vì lòng từ bi vô hạn. Cuốn Bảy mươi lời khuyên của ngài được cho là đã cô đọng tinh túy giáo lý Kadampa. Ngài là đệ tử xuất sức của Geshe Gonpa, và trong số các đệ tử của ngài có Ngul Ton và Dharma Kyap.

[2] Tám phẩm tánh siêu việt khởi lên từ thiền định về yêu thương gồm: (1) trời và người đều hoan hỉ và (2) họ sẽ bảo vệ bạn; (3) bạn sẽ không thể bị hại bởi độc, hay (4) vũ khí; (5) bạn sẽ có tâm hạnh phúc; (6) bạn sẽ trải nghiệm mọi kiểu hạnh phúc; (7) bạn sẽ thành tựu các ước nguyện không mấy nỗ lực, và (8) thậm chí nếu bạn không giải thoát ngay lập tức, bạn cũng sẽ tái sinh vào các cõi cao hơn.

[3] Songtsen Gampo (609 – 698), Trisong Detsen (790 – 844) và Tri Ralpachen (trị vì từ năm 815 đến năm 838). Nhờ có niềm tin, sự nỗ lực và hào phóng của các ngài mà trong từng triều đại, các bản kinh điển, luận giải và Đạo sư Phật Pháp đã đến Tây Tạng.

[4] Mười ác hạnh: ba về thân: sát sinh, trộm cắp và tà dâm; bốn về khẩu: nói dối, gieo mối bất hòa, nói chuyện phiếm và nói lời cay nghiệt; ba về ý: tham muốn, muốn làm hại người khác và tà kiến. Mười thiện hạnh là việc tránh mười ác hạnh và thực hành sự đối ngược.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi