GK50-Sarwabaksa

Đại sư Sarvabhaksa – Kẻ háu ăn

Trong vô minh tất cả mùi vị đều khác nhau
Trong giác ngộ mọi thứ đều một vị
Khi còn vô minh, Niết-bàn và Luân hồi là hai
Khi giác ngộ, cả hai là một

Truyền thuyết

Sarvabhaksa là thần dân của Đức vua Singhacandra thuộc Vương quốc Abhira. Ông ta có một cái bụng rất to và ăn không biết no, có thể ăn bất cứ món gì mà ông vớ được.

Một hôm không tìm được đủ thức ăn, bụng cồn cào dữ dội, Sarvabhaksa đến ngồi ở một cái hang đá, đầu óc suy nghĩ miên man đến cái ăn.

Chân sư Saraha gặp ông ta ở chốn này bèn hỏi han. Kẻ háu ăn nói: “Bụng tôi lúc nào cũng cồn cào như lửa, ăn rất nhiều nhưng chẳng hề biết no. Tôi đang đói lắm.”

“Nếu ngươi không chịu đựng được cái đói, khi tái sinh trong loài ngạ quỷ thì ngươi biết làm sao?”

“Ngạ quỷ là gì?”

Đại sư Saraha liền giải thích về bản chất của loài quỷ đói này và nguyên nhân phải thác sinh vào đó.

Nghe xong, Sarvabhaksa rùng mình kinh sợ, vội thưa: “Làm sao tôi có thể tránh khỏi bị đọa vào ác đạo? Xin thầy mở lòng từ bi cứu giúp.”

Sư điểm đạo và truyền phép thiền định mà Chân sư Bhusuku đã tu tập: “Hãy quán tưởng bụng người là bầu trời, sức nóng trong bao tử là một đám cháy lớn, thức ăn uống là tất cả các pháp thế gian. Khi ăn, hãy nuốt cả vũ trụ vào.”

Sarvabhaksa tu tập một cách miên mật. Trong thiền định, ông nuốt cả mặt trăng, mặt trời và núi Meru, khiến thế gian chìm trong bóng tối.

Dân chúng kinh hoàng trước việc lạ ấy. Các Thiên nữ tìm đến cầu xin ngài Sahara. Sư bảo với đệ tử: “Hãy quán tưởng những gì ngươi ăn đều không rốt ráo.”

Sarvabhaksa vâng lời thầy tiếp tục tu tập đến khi đạt thần thông Đại thủ ấn. Khi ấy, mặt trăng, mặt trời lại hiện ra toả sáng như trước.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo