GK62-Anangapa

Đại sư Anangapa – Kẻ ngớ ngẩn

Luân hồi là giấc mộng
Sắc thân tựa cầu vồng
Tham dục là tên độc
Cắm sâu da thịt người
Mê loạn cho là thật
Như đóm giữa hư không
Tỉnh giấc tàn mộng ảo

Truyền thuyết

Trong nhiều kiếp quá khứ, Anangapa đã tu hành từ bi và nhẫn nhục, do vậy khi tái sinh vào kiếp này, ông có được thân tướng đẹp đẽ và trang nghiêm. Mỗi khi so sánh mình với kẻ khác, Anangapa thường tỏ ra rất tự mãn, cao ngạo.

Một hôm, có một nhà sư Du-già đến chỗ Anangapa để khất thực. Ông hoan hỷ ngỏ ý mời nhà sư lưu lại tư gia của ông ít hôm.

Sư chấp nhận. Anangapa rửa chân cho Sư và chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi, đoạn cúng dường vật thực.

Sau đó, Anangapa hỏi: “Cớ sao ngài tự đọa đày bản thân mình như thế?”

“Để tự mình giải thoát khỏi vòng sinh tử.”

“Về cơ bản, có sự khác biệt nào về tính cách giữa ngài và tôi?”

Nhà sư nói: “Có khác biệt rất lớn. Kiêu mạn là tính cách hiền hữu. Lòng kiêu hãnh không có năng lực sáng tạo. Tín trí là tính cách của tôi, và chỉ niềm xác tín mới có thể tạo ra năng lực vô tận.”

“Năng lực gì, thưa Đại sư?”

“Trước hết là năng lực tu tập Phật pháp để hoá giải những phiền não trong cõi luân hồi, nhưng rốt ráo hơn cả là năng lực thành Phật dựa trên căn bản tín trí.”

“Kẻ phàm phu như tôi có thể đạt tới năng lực ấy không?”

“Nghề nghiệp chuyên môn của hiền hữu là gì?”

“Tôi không có nghề nghiệp chuyên môn nào cả.”

“Vậy hiền hữu có thể ngồi yên để tu tập thiền định chăng?”

“Thưa Đại sư, tôi nghĩ việc ấy tôi có thừa khả năng.”

“Lành thay!”

Sư liền truyền pháp thiền định Samvara cho Anangapa. Nhờ căn tính thuần thục nên chỉ sau 6 tháng tu tập, Anangapa giác ngộ thấu đáo được chân lý.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo