Jnanasutra

Đạo sư Jnanasutra

Jnānasūtra (Ye Shes mDo) sinh ở miền đông thành phố Kamalashila ở miền đông Ấn Độ. Thân phụ ngài là Shāntihasta (Bàn tay Hòa bình), và thân mẫu là Kalyānachitta (Có Thiện Tâm), trong một gia đình shūdra (đẳng cấp thấp kém nhất). Ngài trở nên uyên bác và đi tới Bodhgayā, ở đó ngài sống với năm trăm học giả. Trong số đó có Vimalamitra và mối liên hệ của Jnānasūtra với vị học giả này rất chặt chẽ bởi những đời trước của các ngài.

Một hôm Jnānasūtra và Vimalamitra đi bộ khoảng hai dặm về hướng tây của Bodhgayā. Vào lúc đó, từ không trung, Đức Phật Vajrasattva xuất hiện và tuyên bố: “Ồ các nam tử của gia đình tốt lành, các con đã tái sinh năm trăm đời làm học giả, nhưng các con không đạt được Phật quả. Nếu các con muốn đạt được sự giác ngộ của sự tan biến thân ô trược ngay trong đời này, hãy đi tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc.”

Vimalamitra đi Trung quốc, nhận những khẩu truyền của các giáo khóa Ngoại, Nội và Bí mật, và trở về Ấn Độ. Ngài và Jnānasūtra gặp lại nhau ở ngoại ô của thành phố Gache Kyi Tsal (Vườn Hỉ lạc). Vimalamitra thuật lại cho Jnānasūtra về việc ngài gặp Đạo sư Shrīsimha ở Trung quốc.

Sau đó tới lượt Jnānasūtra đi Trung quốc và bằng năng lực kỳ diệu, chỉ trong một ngày ngài đã đi được một quãng đường mà người bình thường phải mất chín tháng. Khi ngài tới ngôi chùa gần Cây Bồ đề ở Trung quốc, ngài gặp một cô gái đẹp mang một cái bình đựng đầy nước. Cô chỉ thị cho ngài đi Tashi Trigo. Khi ngài tới một ngôi chùa khổng lồ, tráng lệ, một dākinī chỉ thị cho ngài đi tới mộ địa Siljin. Ngài đi tới đó và gặp Đạo sư Shrīsimha bằng xương bằng thịt trong một ngôi chùa làm bằng những chiếc sọ người. Để làm vui lòng Đạo sư Shrīsimha, ngài phụng sự Đạo sư trong ba năm. Sau đó với những món cúng dường ngài khẩn cầu Đạo sư ban cho các giáo lý. Shrīsimha dạy ngài các giáo lý khẩu truyền trong chín năm.  Shrīsimha rút những bản văn ẩn dấu của các giáo lý này từ ngôi chùa gần Cây Bồ đề và giao phó chúng cho Jnānasūtra.

Sau đó Jnānasūtra hài lòng và chuẩn bị khởi hành. Shrīsimha hỏi ngài: “Con có hài lòng không?” Jnānasūtra trả lời: “Có, con hài lòng.” Shrīsimha nói: “Con chưa được phó chúc các giáo lý.” Jnānasūtra nghĩ: “Có lẽ vẫn còn những giáo lý sâu xa hơn nữa,” và ngài khẩn cầu Shrīsimha ban những giáo lý đó cho ngài. Shrīsimha trả lời: “Cần phải có những quán đảnh.” Trong chùa Tashi Trigo ngài ban cho Jnānasūtra toàn bộ quán đảnh phức tạp, kế đó là những giáo lý về giáo khóa Bí mật Thâm sâu trong ba năm. Nhưng Đạo sư không ban cho ngài các bản văn và nói: “Khi đúng thời các bản văn sẽ xuất hiện cho con.” Sau đó, trong một thị trấn vắng vẻ, Shrīsimha cũng ban cho ngài quán đảnh đơn giản. Khi Jnānasūtra chấm dứt một năm tu tập những bài tập chuẩn bị về những kinh nghiệm về sinh tử và Niết bàn trên đỉnh Núi Kosala, Shrīsimha ban cho ngài những giáo lý quán đảnh đơn giản nhất, và một sự xác quyết phi thường đã phát triển trong Jnānasūtra. Kế đó, sau khi tu tập một tháng, Jnānasūtra được ban quán đảnh đơn giản nhất, và ngài chứng ngộ việc hoàn toàn kiểm soát tâm mình. Jnānasūtra ở lại với Shrīsimha mười sáu năm nữa, tu tập thiền định và tuân thủ những giới luật của Đạo sư. Đạo sư vẫn hành xử theo những cách thế huyền bí, lang thang trong các mộ địa, tự biến thành những thân tướng khác nhau, và hòa lẫn với các dākinī và những chúng sinh khủng khiếp mà không chút sợ hãi.

Sau đó Đạo sư được Vua Paljin (Người Mang lại Vinh quang) của xứ Li thỉnh mời và ngài tới đó, xuyên qua bầu trời, cưỡi một con sư tử trắng, an tọa trong một chiếc lều lụa dưới ba lớp dù, được sáu dạ xoa trẻ mạnh mẽ nâng lên. Buổi sáng ngày thứ bảy sau khi ngài khởi hành, người ta nghe thấy một âm thanh lớn trong không trung. Jnānasūtra nhìn lên bầu trời và thấy Đạo sư ngôi giữa một khối ánh sáng. Jnānasūtra nhận ra rằng nhục thân của Đạo sư đã tan biến. Jnānasūtra dâng những lời cầu nguyện, và di chúc Zerbu Dünma (Bảy Chiếc Đinh) hạ xuống tay ngài.

Shrīsimha cũng ban cho ngài giáo huấn tiên tri này: “Những bản văn của giáo lý Bí mật Thâm sâu, Nyingthig, được cất dấu trong một cây cột ở Tashi Trigo. Hãy lấy chúng ra và đi tới mộ địa Bhasing.” Sau đó Jnānasūtra rút những bản văn ra và đi tới mộ địa Bhasing tuyệt đẹp, kinh khiếp và mãnh liệt nhất, ở một nơi cách xa về phía đông Bodhgaya. Trong khi Jnānasūtra ở đó thực hiện những bài tập bí mật và ban giáo lý cho các dākinī thì Vimalamitra cũng đang thực hiện những thực hành bí mật, nhận một tiên tri từ một dākinī và tới gặp Jnānasūtra. Jnānasūtra ban cho Vimalamitra những quán đảnh và giáo lý phức tạp, đơn giản, rất đơn giản, và vô cùng đơn giản, và cũng giao phó cho Vimalamitra các bản văn.

Lúc cuối đời Jnānasūtra thành tựu sự tan biến nhục thân, và khi Vimalamitra dâng những lời cầu nguyện bi thương, Jnānasūtra xuất hiện và ban cho Vimalamitra di chúc Zhakthap Zhipa (Bốn Phương pháp Thiền định) của ngài. Nó bao gồm những câu sau:

Kính lễ tánh Không thuần tịnh nguyên sơ.
Kỳ diệu thay! Nếu con tu tập những giáo lý này, hỉ lạc sẽ xuất hiện tự nhiên.
Nếu con muốn đạt được trạng thái bình đẳng vĩ đại, hãy chứng nghiệm [trong những thiền định sau đây] trong mọi lúc.

[a] Nếu con ước muốn được tu tập mọi “hoạt động” bí mật, hãy duy trì mọi sự xuất hiện trong tính trực tiếp (Cher) của thiền định tự nhiên.
[b] Nếu con ước muốn có được sức mạnh trong “thiền định” của con, hãy an trụ trong sự hợp nhất tâm và vật nhờ cái thấy của sự thiền định tự nhiên như đại dương.
[c] Nếu con ước muốn đạt được sự tự-giải thoát khỏi mọi “cái thấy” [những ý niệm], hãy đưa mọi vật hiện hữu tới chỗ tịch diệt của chúng bằng sự thiền định tự nhiên như ngọn núi.
[d] Nếu con ước muốn đạt được mọi “kết quả,” như chúng là, hãy giải thoát mọi sai lầm trong sự tu tập nhờ cái thấy như ngọn núi.

Tulku Thondup Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích tác phẩm: Các Đạo Sư của sự Thiền định và những điều kỳ diệu