ThangtongGyalpo_large

Tiểu sử ngắn Đại Thành Tựu Giả Tangtong Gyalpo

Pháp vương của các Đạo sư thành tựu, Đức Tangtong Gyalpo chính là Đức Liên Hoa Sinh trở lại trong thân tướng con người. Đạo sư Thangtong Gyalpo sinh ra tại Ölpa Lhartse ở Tsang vào năm 1385 năm bò gỗ, chu kỳ sáu mươi năm lần thứ sáu. Ngài đã học tập dưới sự dẫn dắt của hơn năm trăm vị Thầy trợ giáo. Đức Tangtong Gyalpo đã làm việc vì những lợi ích của người khác, xây dựng năm trăm lẻ tám chiếc cầu và một trăm mười tám hệ thống bến phà. Du hành tới các cõi tịnh độ Liên Hoa Quang, Ngài thọ nhận các giáo lý tâm linh của những điều mật nhiệm vĩ đại. Tại Samye Ngài khám phá vô số các kho tàng ẩn dấu và vì thế làm hồi sinh các giáo lý và đem lại hứng khởi cho chúng sinh. Ngài mang lại lợi lạc cho xứ tuyết nói chung và cho các giáo lý tâm yếu.

Đức Tangtong Gyalpo, một vị Đại Thành Tựu Giả của Tây Tạng. Ngài đã có rất nhiều kinh nghiệm tu chứng và được trực tiếp nhìn thấy sự thị hiện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Lúc còn rất nhỏ, Ngài đã say sưa thích thú, nhất là nghiên cứu, tu học giáo lỵ́ Phật Giáo, đặc biệt; những giáo lý có liên hệ đến Đức Thế Quán Âm. Ngài đã hấp thụ một trình độ giáo lý tu chứng thâm sâu từ các bậc thầy chứng ngộ thuộc các Truyền thống Kim Cang Thừa của Ấn Độ và Tây Tạng đương thời, trong những bậc thầy đó có Ngài Kangapa Paljor Sherah là một bậc Đạo Sư thực chứng về Đức Quan Thế Âm. Ngài cũng đã bỏ ra nhiều năm ròng rã để thủ đắc công phu tu tập thiền định và đã từng trực tiếp hấp thụ một cách bí nhiệm sự chỉ dạy và tâm thuật minh kiến truyền thọ từ chư Phật và chư Bồ Tát cũng như từ những bậc Đại Sư ở nhân gian trong quá khứ. Sau đó, Ngài đã du hóa khắp xứ Tây Tạng, Ấn Độ, Bhutan, Trung Hoa và Mông Cổ. Bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều truyền bá câu Minh Chú của Đức Quan Thế Âm:  Om Mani Padme Hum cho rất nhiều đệ tử của Ngài.

Khi xưa ở xứ Kham, Tây Tạng có xảy ra trận chiến dài, không ai có khả năng mang lại hòa bình. Lúc ấy có vị Đại thành tựu giả tên là Tangtong Gyalpo đã đến vùng đất này, phát tâm bồ đề, đọc tiếng lời chân thật này rồi rải hoa. Lúc bấy giờ tâm lý nhiễm độc của ganh ghét hận thù tan biến cả, trận chiến kéo dài chấm dứt, vụ mùa tươi tốt, đất nước an lạc cát tường. Tiếng lời chân thật này, là tiếng lời kim cang. Ðây là một trích đoạn ngắn một trong ba lời nguyện của vị Đại thành tựu giả Tangtong Gyalpo mang tên “Tiếng lời chân thật chiến thắng mọi hiểm họa vũ khí”:

Mắt đại bi nhiệm màu Quán thế âm,

Vô úy Quán âm Mã đầu,

Phật bà Ta-ra sáng trong viên mãn,

Hồng danh các ngài chỉ thoáng qua tai là tiêu tan hiểm nạn,

Xin chốn chở che từ bi tối thượng.

Trước tác “Thiền định Quán tưởng cho tất cả chúng sinh suốt cõi không gian” do Đức Tangtong Gyalbo soạn ra đã được đặt căn bản trên sự thân kiến và những kinh nghiệm tu chứng bản thân về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã truyền trao pháp tu cho các đệ tử, và sau đó đã được tương truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho mãi đến hôm nay. Vào thế kỷ thứ 19, pháp tu này đã rất được tán dương và phục hồi bởi hai vị Bậc Thầy hiển dương phong trào bất bộ phái (Rimé) ở Tây Tạng là Đức Jamyang Khyentse Wangpo Rinpoche và Đức Jamgon Kongtrul Rinpoche. Nhờ thế, pháp tu này đã được truyền bá và thực hành rộng rãi đến toàn thể Phật tử trên khắp thế giới.

Kỹ xảo trọng yếu mà Tangtong Gyalbo đã sử dụng để phát triển bao gồm nghi thức Đoạn Ngã (phá trừ ngã chấp, chữ Tây Tạng gọi: Chod) và thuật Mật Tông Du Già bí truyền từ Dakini Niguma (em của Sư Tổ Mật Tông Naropa) và phương pháp quán tưởng Vô Lượng Thọ Phật (Amitayus) để làm tăng thêm tuổi thọ. Đặc biệt Tangtong Gyalbo còn được người Tây Tạng ngưỡng mộ một cách cao độ vì công trình kiến thiết cầu treo bằng sắt trên toàn cõi Tây Tạng. Sau khi phát hiện mỏ thiết đồ sộ, phong phú, Ngài đã phát minh ra phương pháp luyện thép để chế tạo một loại thép không rỉ sét. Những chiếc cầu treo được Ngài kiến tạo theo phương pháp này, cho đến nay vẫn còn được sử dụng.

Tangtong Gyalbo viên tịch vào năm 1485, Ngài đã sống với một tuổi thọ rất cao (Ngài sống đến 124 tuổi), vì thế đã chứng minh một cách hùng hồn cái công hiệu của thuật tăng tuổi thọ mà Ngài đã truyền dạy. Từ những hành hoạt về Bồ Tát Hạnh vô cùng lợi ích đối với dân Tây Tạng trong cuộc sống của Ngài; vì thế, Ngài đã được tôn kính và được coi như là bậc hóa thân của Bồ Tát Quán Âm.

Viet Rigpa Foundation

Đây không phải một bản tiểu sử đầy đủ về Đức Tangtong Gyalpo, chúng tôi “trích và dịch” một số đoạn ở số tác phẩm có nói đến Đức Tangtong Gyalpo để độc giả tham khảo và kết duyên.