1486898_10152439257537616_5262685387766282316_n

Lãnh đạo tử tế và từ bi

Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ trước máy quay tại Dinh thự của mình vào sáng nay, Ngài đã được chào đón đến với cuộc hội thoại trực tuyến về ‘Lãnh đạo Tử tế và Từ bi’ của Sasha Havlicek. Với tư cách là Giám đốc điều hành Viện Đối thoại Chiến lược, Cô giải thích rằng tổ chức mà Cô lãnh đạo đã và đang hoạt động để chống lại sự thù ghét và thông tin sai lệch.

Với suy nghĩ này trong tâm thức, họ đã khởi động Mạng lưới các thành phố mạnh mẽ (SCN) để khắc phục sự phân cực và chủ nghĩa cực đoan. Nó đã tổ chức đào tạo cho các quan chức thành phố, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, các nhà lãnh đạo công ty và các nhà lãnh đạo đức tin trong việc phi truyền thống hóa và tái hòa nhập, đặc biệt nhằm mục đích phá bỏ khái niệm ‘xem mọi người khác và xa lạ với chính mình’, thói quen nhìn mọi người theo nghĩa “chúng tôi” và “bọn họ”.

Sự kiện hôm nay là kết quả của sự hợp tác giữa Mạng lưới các thành phố mạnh mẽ (SCN) và Hội nghị Thị trưởng Hoa Kỳ (USCM) do Thị trưởng Louisville Greg Fischer dẫn đầu. Havlicek cảm ơn sự tham dự của Ngài; và giới thiệu Thị trưởng Fischer làm người điều hành cho ngày hôm nay.

Thị trưởng Fischer bày tỏ rằng, ông vô cùng vinh dự khi được cùng với Ngài một lần nữa. Ông cảm ơn Sasha Havlicek và Tom Tait – cựu Thị trưởng Anaheim – vì đã quy tụ 74 thị trưởng đại diện cho 19 quốc gia. Ông nói rằng chúng ta có thể vượt lên trên sự thử thách khi chúng ta ấp ủ lòng từ bi

Với lời mở đầu của mình, Ngài tuyên bố rằng, bất cứ khi nào có thể, Ngài đều nhấn mạnh đến tính đồng nhất của nhân loại. “Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau,” Ngài tiếp tục. “Các nhà khoa học đã xác nhận rằng chúng ta là động vật xã hội với ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Chúng ta phụ thuộc vào nhau và chăm sóc lẫn nhau vì sự sống còn của chính mình.

“Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nhiều vấn đề là do chính chúng ta tự gây ra. Nhưng chúng ta tự giới hạn mình bằng cách nghĩ quá nhiều về mình, về nhu cầu của mình, nhu cầu của gia đình mình, nhu cầu của cộng đồng và nhu cầu của quốc gia mình. Tuy nhiên, vì chúng ta phải chịu trách nhiệm về rất nhiều vấn đề mà ta đang phải đối mặt, cho nên thật hợp lý khi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể giải quyết được những vấn đề ấy.

“Trên hết, chúng ta phải trau dồi ý thức về sự đồng nhất của tất cả con người. Ta phải nhận ra rằng so với điều đó, sự khác biệt về đức tin và quốc tịch chỉ là điều thứ yếu.

“Giống như các loài động vật khác, chúng ta có hàng loạt các ý thức nhưng điều khiến chúng ta trở nên khác biệt hơn đó là nhờ trí thông minh của chúng ta. Ta có thể cân nhắc và lập kế hoạch cho tương lai. Ngày nay, tất cả chúng ta đều là một phần của nền kinh tế toàn cầu; và nhờ sự phát triển của công nghệ, cho nên thế giới đang trở nên nhỏ hẹp hơn. Chúng ta phải xem xét nhu cầu của toàn thế giới và toàn thể nhân loại; vì tất cả chúng ta đều giống nhau trong bản chất con người. Và chúng ta phải chung sống cùng nhau.

“Tôi cảm thấy mình chỉ là một con người, là một phần của thế giới mà tôi đang sống. Vì vậy, tôi không bao giờ cô đơn. Tôi nghĩ về bất cứ ai tôi gặp cũng đều giống như tôi. Chúng ta không cần phải được giới thiệu. Nếu họ có hai mắt, một mũi và một miệng, thì tôi nghĩ về những người khác cũng là con người giống như mình.

“Lần đầu tiên đến Ấn Độ, tôi đã suy ngẫm về mối liên kết chặt chẽ giữa đất nước này và Tổ quốc của tôi. Như Thủ tướng đã nói, Ấn Độ là xứ sở của Đức Phật. Và thậm chí ngày nay, chúng ta vẫn có thể được hưởng lợi từ việc áp dụng các nguyên tắc Ấn Độ cổ đại đã được kiểm tra và thử nghiệm về ‘ahimsa’ và ‘karuna’ – bất bạo động và từ bi, làm nền tảng cho một thế giới hòa bình hơn.

“Như tôi thường nói, để đạt được hòa bình thế giới, chúng ta cần có sự thanh thản trong tâm hồn. Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực đã làm xáo trộn sự an lạc nội tâm của chúng ta. Những người chủ yếu quan tâm đến sự phát triển vật chất thì chỉ nghĩ đến hạnh phúc và sự sung túc về mặt sức khỏe thể chất, tuy nhiên sức khỏe tinh thần của chúng ta cũng rất quan trọng. Truyền thống Ấn Độ cổ đại có được sự hiểu biết phong phú về phương cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc của chúng ta; và ngày nay ta vẫn có thể tiếp thu được kiến thức này.

“Nó khuyến nghị rằng, trước tiên nên kiểm tra xem những gì đã làm xáo trộn tâm thức của chúng ta; và sau đó xem xét những gì đối trị lại sự quấy rầy đó. Nó chỉ ra rằng, thái độ ái trọng tự thân và những quan niệm sai lầm về bản chất của bản ngã là gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực làm xáo trộn tâm thức chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta thấy – như các nhà vật lý lượng tử cũng đã quan sát – rằng mọi thứ không tồn tại như chúng xuất hiện, thì những suy nghĩ lệch lạc của chúng ta sẽ được giảm bớt. Và mặc dù thông tin này được tìm thấy trong các bản kinh văn tôn giáo, nó chắc chắn có thể được triển khai lại trong bối cảnh học thuật, thế tục. Tất cả chúng ta đều có thể học cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực và trau dồi những phẩm chất tích cực.

“Chúng ta phải cố gắng kết hợp sự hiểu biết về cách hoạt động của cảm xúc và những phương pháp giải quyết chúng vào hệ thống giáo dục của chúng ta. Nếu chúng ta tử tế và từ bi, ta sẽ trung thực. Điều đó dẫn đến sự tin tưởng, kiên định và tình bằng hữu. Bây giờ, quý vị có câu hỏi nào không?”

Thị trưởng Fischer đã giới thiệu Thị trưởng của các thành phố Bắc Mỹ, cũng như từ các nơi khác trên thế giới, những người đã nêu câu hỏi cho Ngài. Thị trưởng Eric Garcetti, Los Angeles, bắt đầu bằng câu hỏi về cách hàn gắn sự chia rẽ. Ngài nói với ông rằng, điều quan trọng là phải tập trung vào cảm giác gần gũi của chúng ta với nhau. Ngài lưu ý rằng, vì Mỹ được coi là dẫn đầu của thế giới tự do và có quan hệ đặc biệt với châu Âu, cho nên nghĩ về ‘Nước Mỹ trên hết’ là không phù hợp. Mỹ nên tính đến cả thế giới.

Thị trưởng Maria Isabelle Climaco, Zamboanga, Philippines muốn biết chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ đại dịch. Ngài đã nói với cô ấy rằng, trước tiên, Ngài rất quan tâm đến điều đó và cầu nguyện mỗi ngày rằng đại dịch sẽ kết thúc. “Tôi thực sự ngưỡng mộ các nhà nghiên cứu đang điều tra về virus, cũng như các bác sĩ và y tá chăm sóc người bệnh, họ đã thường xuyên đặt sức khỏe của bản thân mình vào tình trạng nguy hiểm. Chúng ta phải học hỏi từ những gì mà các chuyên gia đã nói với chúng ta. Ta phải làm theo lời khuyên của họ để thận trọng, đeo khẩu trang và tuân thủ luật giãn cách xã hội”.

Ngài nói với Thị trưởng Andy Berke, Chattanooga, Hoa Kỳ rằng mọi người trong các cộng đồng địa phương nên làm việc cùng nhau. Ngài đề cập đến sự ngưỡng mộ của mình đối với tinh thần của Liên minh châu Âu (EU), nơi những kẻ thù lịch sử đã biết để quá khứ lại sau lưng họ; và thay vào đó đã chọn cách hợp tác với nhau. Ngài gợi ý rằng, phần còn lại của thế giới cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, và nhấn mạnh về sự gần gũi hơn là xa cách. Đã đến lúc chúng ta phải làm việc cùng nhau, gặp gỡ và cùng thảo luận về những việc chúng ta cần phải làm.

Nghị viên Sarah Hamilton, Edmonton, Canada đã tìm kiếm sự hướng dẫn về các phương pháp để làm cầu nối giữa những chia rẽ đã xảy ra ở nhiều nơi. Ngài nói rằng, những quan điểm thiên lệch nên nhường chỗ cho tình cảm hòa hợp và tôn trọng. Ngài chỉ ra rằng, tất cả các truyền thống tôn giáo chính trên thế giới đều phát triển một cách hòa bình, và song hành cùng nhau ở Ấn Độ. Ngài nói thêm rằng, khi sự liên hệ được gia tăng, thì xu hướng cô lập sẽ bị phá vỡ. Ngài nói lên tinh thần lạc quan, cho rằng nếu các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự, các học giả và nhà khoa học gặp gỡ nhau thường xuyên hơn thì họ có thể góp phần làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Thị trưởng Visar Ganiu, Skopje, Bắc Macedonia đã hỏi làm thế nào chính quyền địa phương có thể giúp để xua tan những thông tin sai lệch về covid-19. Ngài nói với ông rằng, các chuyên gia cần phải giải thích tình hình một cách trung thực như thế nào. Khi thế giới trở nên nhỏ hẹp hơn, thì việc tổ chức các cuộc gặp gỡ cho mục đích này sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thị trưởng Naheed Nenshi, Calgary, Canada đã tìm kiếm lời khuyên về việc giúp đỡ mọi người sống với nhau tốt hơn; và cũng đề cập rằng năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm những người Tây Tạng đầu tiên đến Calgary. Ngài thừa nhận sự cần thiết phải giải quyết nạn phân biệt chủng tộc và sự thù hận đang gia tăng. Ngài chỉ ra rằng khi quý vị nhìn mọi thứ từ góc độ rộng thoáng hơn, thì quý vị sẽ dễ dàng tập trung vào sự thống nhất hơn.

Ngài nói: “Mọi thứ đang được cải thiện, nhưng sự nỗ lực để sửa chữa những hiểu lầm cần phải được tiếp tục thông qua sự giáo dục và tiếp xúc cá nhân. Đã qua rồi thời kỳ sử dụng vũ lực. Vì không ai có thể loại bỏ hoàn toàn kẻ thù của mình, cho nên chúng ta phải học cách cùng chung sống với nhau. Và tốt hơn hết là chúng ta nên sống với nhau một cách hạnh phúc với nụ cười trên môi.

“Canada là một trong những quốc gia đầu tiên chấp nhận một nhóm người Tây Tạng và họ đã rất hạnh phúc và ổn định. Mọi người nói với tôi rằng, nhìn chung, cộng đồng địa phương – nơi người Tây Tạng sinh sống – đều ngưỡng mộ họ vì sự khiêm tốn và tính chăm chỉ của họ”.

Nghị viên Jørgen H. Kristiansen, Kristiansand, Na Uy đã hỏi về mối liên hệ giữa chiến tranh, xung đột và nghèo đói. Ngài nói với ông rằng, Ngài nghĩ rằng các cuộc chiến tranh diễn ra ít vì lý do kinh tế hơn là vì lý do chính trị và ý thức hệ. Ngài lấy ví dụ về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Mặc dù xung đột quân sự đang giảm bớt, nhưng Ngài cũng đã chỉ ra rằng nạn nghèo đói thì không giảm. Ngài nhấn mạnh tính cấp thiết của việc rút ngắn khoảng cách giữa giàu và nghèo trên cả cấp độ địa phương và toàn cầu. Ngài đề cập đến xu hướng ủng hộ phi hạt nhân hóa ngày càng gia tăng. Nhiều người hiện đang hình dung một thế giới không có vũ khí hạt nhân và mối đe dọa mà loại vũ khí này mang đến.

Ngài nói với Thị trưởng Bill Peduto, Pittsburgh, Hoa Kỳ rằng, sự tiếp xúc rộng rãi hơn – chính là cách duy nhất để hàn gắn những chia rẽ do sự sân giận và hận thù – tự cho mình là chính đáng. Một số người khờ khạo có thể bám vào thái độ chia rẽ. Họ cần được giúp đỡ để hiểu biết sự thực về những điểm chung của tất cả chúng ta. Ngài nhắc lại rằng, sự thất vọng và bối rối phát sinh do vô minh; và điều đó có thể được xua tan bằng phương pháp giáo dục và thông tin lành mạnh.

Ngài đã đồng ý với Thị trưởng Leoluca Orlando, Palermo, Ý về tầm quan trọng của lòng từ bi và tình huynh đệ. Rất nhiều vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt đều bắt nguồn từ cảm giác về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Ngài quan sát thấy rằng các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo cho rằng tất cả chúng ta đều đến từ một đấng sáng tạo cho nên tất cả chúng ta đều giống như những anh chị em của nhau. Đó là một ý tưởng mạnh mẽ liên kết với thông điệp về lòng nhân ái.

Các tôn giáo phi hữu thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo và một số truyền thống Ấn Độ giáo lại nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng từ bi. Ngài nói rằng tất cả chúng ta cần có lòng từ bi vì tất cả chúng ta phải sống cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau.

Thị trưởng Greg Fischer đã cảm ơn Ngài về nguồn cảm hứng mà Ngài đã luôn ban cho. Ông cũng cảm ơn Sasha Havlicek và các Thị trưởng đã tham gia cuộc hội thoại này. Ông ấy kết thúc bằng một điều mà Ông đã học được từ Ngài: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi! Nếu bạn muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực hành lòng từ bi!”.

Ngài trả lời: “Tôi rất trân trọng công việc mà quý vị đang thực hiện để thúc đẩy lòng từ bi. Lòng từ bi là không thể thiếu. Chúng ta cũng phải thường xuyên xem xét tính đồng nhất của nhân loại. Tôi vô cùng cảm kích tất cả các thị trưởng đã tham gia với chúng ta ngày hôm nay. Mặc dù khả năng thay đổi thế giới của một cá nhân có thể bị hạn chế, nhưng các thị trưởng – với tư cách là các nhà lãnh đạo cộng đồng – có thể mang lại sự thay đổi. Đây là một nguyên nhân cho sự hy vọng. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực. Tôi mong ước trong thế kỷ 21 này được nhìn thấy một thế giới hạnh phúc hơn, nơi mà mọi người đều nở một nụ cười vui vẻ. Xin cảm ơn quý vị!”

Đức Dalai Lama 14

Nguồn: Lãnh đạo Tử tế và Từ bi