14138242_10154042124976713_7002630554462046078_o-980x520 (1)

Pháp Quy y trong Truyền thống Đại thừa

I. Dẫn nhập

– Những quy y sai lạc thông thường: quy y tiền tài, danh vọng, địa vị, người thân.

– Khi vào chùa, quy y Tam bảo cũng chỉ là để có những lợi lộc liên hệ đến những thứ nói trên, cho nên cũng không thực sự là quy y Tam bảo, mà chỉ là một kiểu hối lộ mê tín để tăng thêm vô minh, đau khổ.

– Kết quả tai hại là lòng tin bị lung lay, dễ từ bỏ Ba ngôi báu vì những mục tiêu vụ lợi trong từng giai đoạn.

II. Quy y theo Đại thừa

Là sau khi nhận chân ý nghĩa đích thực của Ba ngôi báu, chỗ nương tựa muôn đời, từ khi quy y cho đến ngày thành Phật. Người phát tâm quy y theo Đại thừa phải có những nhận thức như sau:

– Nhận chân cuộc đời giả dối

– Tất cả duy tâm tạo, khổ vui do tâm nên cần luyện tâm như tâm Phật.

– Nguồn gốc tâm Phật là Bồ đề tâm, mong cầu giác ngộ để lợi ích cho tất cả hữu tình. Bởi thế trong đạo Đại thừa, sự quy y Tam bảo luôn luôn đi đôi với Phát tâm bồ đề. Trong nghi thức cúng cô hồn mỗi chiều trong chùa có câu khuyên các cô hồn như sau: “Các ngươi nên quy y tam bảo phát tâm bồ đề thì cuối cùng sẽ thành Phật.”

III. Hạng người nên quy y

– Có ba hạng người: hạ liệt, tầm thường và thù thắng. Người hạ liệt dùng hết khả năng mình chỉ để làm cho tâm mình được hạnh phúc. Người tầm thường vì thấy mình khổ nên chỉ mong thoát khổ, do vậy mà khổ mãi. Còn người thù thắng thì trong tâm luôn nghĩ đến khổ đau của mình và tất cả mọi người, nên chuyên lo diệt trừ căn bản khổ đau của người và đem hạnh phúc cho người. Vì người thánh thiện thì đau khổ vì nỗi đau khổ của người khác.

Một số người sống không lỗi về giới hạnh của một trong bảy hạng Biệt giải thoát giới. Đó là những người quay về Tam bảo do thấy khổ sinh tử. Họ luôn luôn nhớ nghĩ đến cái chết. Và bản chất họ có Trí tuệ và tâm Đại bi. Nếu là gia chủ còn ở đời, thì họ có giới Ưu bà tắc gồm 5 giới và 45 hành pháp thích hợp cho họ.

Giả sử một người như vậy, sau khi nghĩ kỹ, tự nhủ: “Nếu với tất cả kỹ luật Biệt giải thoát này, tôi vẫn không tìm được lợi ích cho bản thân và cho người khác, thì thực sự tôi phải làm sao? Pháp gọi là Đại thừa vốn nổi tiếng là thành tựu cả tự lợi và lợi tha, vậy tôi sẽ tìm pháp ấy từ một bậc Bạn lành.”

Rồi người ấy tinh cần lễ Phật sám hối theo nghi thức nói trong Phổ Hiền nguyện vương, và nỗ lực một thời gian dài để làm vừa lòng đẹp ý một người thánh thiện xứng đáng làm bậc thầy mình. Bài nguyện ấy như sau.

1. Nghi thức sám hối

(1) Đối trước tất cả chư Phật

Ở khắp nơi trong vũ trụ

Những người đã vượt ngoài

mọi chiều của thời gian,

Thân tâm con kính lễ.

(2) Nhờ năng lực Phổ Hiền

Con hóa thân như cát bụi

Đảnh lễ chư Như lai

Mà tâm con có thể nghĩ lường.

(3) Con đặt hết niềm tin nơi chư Phật

Và giới đức vượt bậc của các Ngài-

Vô số Phật đang an tọa

Giữa chúng Bồ tát như vi trần,

(4) Con ca tụng các đấng Thiện thệ

Bằng biển cả ngôn từ vô tận tán dương;

Con hát ca công đức đấng Chiến thắng

Với âm thanh của tiếng hải triều.

(5) Với hoa tươi và tràng hoa tốt đẹp

Âm thanh của não bạt,

dầu thoa và lọng báu

Với đèn dầu và hương trầm hảo hạng

Con cúng dường tất cả đức Như lai.

(6) Với vải mịn và hương thù thắng

Bình hương bột chất cao như núi Tu di

Với đồ trang hoàng đặc biệt quý hiếm

Con dâng lên các đấng Chiến thắng.

(7) Con dâng hiến lên chư Phật

Phẩm vật cúng dường tráng lệ thù thắng

Và đức tin của con vào các thiện hành

Con xin kính lễ chư Như lai.

(8) Bất cứ tội lỗi nào con đã phạm

Do tham dục, giận dữ, si mê,

Bằng thân, lời hay ý

Con xin sám hối tất cả, từng loại tội.

(9) Con xin vui theo những công đức

Của chư Bồ tát và các bậc Độc giác

Của các bậc còn học và hết học

Con tán thành việc tốt trong cả thế gian.

(10) Với các bậc làm Ngọn đèn cho thế gian

Con thỉnh chuyển Bánh xe Pháp vô thượng

Những người trải qua từng bước đến giác ngộ

Đã đạt thành Phật quả thênh thang.

(11) Với những vị nào mong nhập Niết bàn

Con xin chắp tay khẩn cầu các ngài

Vì hạnh phúc an vui của chúng sinh

Hãy lưu lại đời thêm vô số kiếp.

(12) Chút ít công đức nào con có được

Do Kính lễ, Cúng dường, Sám hối,

Do Vui theo, Cung thỉnh, Khẩn cầu

Tất cả con xin dồn cho mục đích Giác ngộ

(13) Con cúng dường chư Phật quá khứ hiện tại

Nơi nào các ngài an trú, khắp mười phương

Con cầu mong chư Phật vị lai chóng thành đạt

Qua những bước đường tiến đến Toàn giác

2. Nghi thức quy y

Sau khi tìm được một bậc thầy và được vị ấy thâu nhận, với tâm chân thành người ấy đặt đầu mình chạm chân bậc thầy mà nói:

“Hỡi người thánh thiện, xin thương xót con. Con khẩn cầu thầy giảng cho con nghe về đạo Đại thừa, phương tiện để hoàn tất được lợi lạc cho bản thân con và người khác.”

Rồi khi thầy đã bằng lòng làm phép quy y, người ấy phải tắm rửa sạch sẽ, thay y phục sạch, cung thỉnh bậc Bạn lành an tọa trên tòa cao trang hoàng bằng bông hoa. Người ấy phải quán tưởng thầy như Phật, đấng đạo sư, và tự nhủ: “Thầy là Người che chở, là chỗ nương tựa của tất cả chúng sinh. Với lòng thành, đệ tử nói:

“Kính bạch thầy, xin gia tâm mà nghe con đây. Trong vòng luân hồi từ vô thủy kiếp, con đã bị nhiều khổ đau xâu xé, làm con kiệt sức. Con không có một bậc thầy, không người che chở, không chỗ tựa nương.” Lặp lại ba lần như trên. Khi ấy bậc thầy tuyên bố:

“Này thiện nam (hay thiện nữ), ngươi đã khốn đốn mệt mỏi vì sinh tử luân hồi, ngươi nay muốn đi vào đạo Đại thừa là đúng lắm. Bây giờ ngươi sẽ học đạo ấy. Bởi vì Ba ngôi báu có thể làm bậc thầy, làm người che chở, làm chỗ nương tựa cho những ai không có thầy, không người che chở, không nơi nương tựa. Ngươi hãy quy y Tam bảo với trí thuần tịnh và tâm vui mừng. Hãy lấy sự an vui của tất cả chúng sinh làm mục đích của ngươi. Hãy gom góp bất cứ phẩm vật nào mà ngươi có, để chứng tỏ lòng cung kính cúng dường của ngươi đối với Ba ngôi báu.”

Khi ấy người đệ tử quỳ gối chắp tay và dâng một cái hoa rồi lặp lại ba lần như sau:

“Xin bậc thầy thương xót nghĩ:

Từ vô thủy kiếp cho đến ngày nay

Con đã lang thang trong vòng sinh tử

Rất mệt mỏi vì nỗi khổ đau.

Con xin Thầy giảng dạy cho con

Con đường chấm dứt tất cả khổ.”

 3. Tu tập sau khi quy y

Ý thức rõ những đức tính siêu việt của ba ngôi báu, Phật tử lập lại pháp quy y nhiều lần. Ý thức rõ lòng từ bi rộng lớn của Tam bảo, Phật tử luôn luôn nhiệt tình lễ bái, mỗi khi ăn khi uống đều cúng dường Tam bảo trước. Ý thức về tâm đại bi, người ấy phổ biến sự quy y trong tất cả hữu tình.

Sau khi học được những đức tính của Tam bảo và tâm Bồ đề, Phật tử nên liên tục quy y và phát tâm bồ đề ngày ba lần đêm ba lần, lặp đi lặp lại. Dù không theo nghi thức đầy đủ về việc phát tâm, cũng nên phát triển tâm Bồ đề với những câu như sau:

“Con xin quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng cho đến ngày giác ngộ. Xin cho tất cả những hành vi bố thí, trì giới… của con sẽ kiện toàn quả Phật vì lợi ích cho tất cả hữu tình.”

Mỗi khi cần làm việc gì, làm lễ khẩn cầu ba ngôi báu, từ bỏ tất cả phương tiện khác của thế gian.

 4. Lợi ích của Quy y

a) Vào thời gian gieo nhân: nghĩa là, trong đời hiện tại và trong các đời tái sinh về sau, sự quy y làm cho người ta thoát khỏi Tám Nỗi Sợ Hãi lớn và làm bạn với ngàn vị trời hoan hỷ trong giáo lý Phật. Vào lúc chết người ta được tâm hoan hỷ. Trong các đời tái sinh khác, sự quy y dắt dẫn ta ra khỏi khổ sinh tử luân hồi và thoát khỏi khổ của các đọa xứ, lại còn đem lại niềm vui của những tái sinh thù thắng và Niết Bàn.

b) Vào thời gian hành đạo, sự quy y đem lại việc thực hành con đường Tám Chính và Bảy Chi Phần Giác Ngộ .v.v…

c) Vào thời gian kết quả: người ta đạt đến hai Niết Bàn -còn thân và không thân- và Ba thân: Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân.)

Kế tiếp lễ quy y là nghi thức Phát tâm bồ đề.

5. Lợi ích của Tâm bồ đề : (trích kinh Askayamati khải thỉnh)

Bấy giờ Aksayamati hỏi: Thưa thượng tọa Xá Lợi Phất, tâm bồ đề ngay khi Bồ tát mới phát khởi đã là bất hoại. Vì sao thế ? Vì nó trong suốt. Nó khởi lên không do ảnh hưởng của dục vọng. Nó khởi lên với sự bao dung, vì không màng đến những cỗ xe khác. Nó khởi lên với sự quyết định, vì không ưa tranh cãi với những kẻ chống đối. Nó không thể bị bất cứ ác ma nào tấn công. Tâm bồ đề là rắn chắc, bởi nó toàn chủ động mọi gốc rễ của đức hạnh. Nó trường cửu, vì biết rõ tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Nó khởi lên không ngần ngại, vì bao hàm một cách chính xác tất cả giáo lý của Phật. Nó không phiền não, vì không sử dụng những năng lực tà ngụy. Nó khởi lên liên tục, vì không ai lay chuyển nổi. Tâm ấy vô song, vì không có gì tương tự. Nó như kim cương, vì cắt đứt mọi giả tướng. Nó vô biên, vì chứa vô lượng công đức. Nó khởi lên với tình yêu bình đẳng hướng đến tất cả hữu tình. Nó hoàn toàn thanh tịnh, vì tuyệt đối không nhiễm ô. Nó vô cấu, vì có ánh sáng tuệ trong suốt. Nó khởi lên với niềm xác tín lớn lao, vì không bỏ ý nguyện thù thắng. Nó lan trải rất xa, vì giống như không gian. Nó vươn lên thật lớn, vì phạm vi của nó là tất cả hữu tình… Tâm bồ đề vươn lên không chướng ngại, vì nó hướng đến trí vô dục. Nó phục vụ tất cả vì lòng bi mẫn lớn, bền. Nó phát khởi liên tục vì biết rõ giá trị của hồi hướng công đức. Vì tâm bồ đề được đấng Biến tri giảng dạy, nên nó là điều kiện tiên quyết. Tâm bồ đề đáng được học, vì không có trong các cỗ xe khác, ở đấy dù có chúng sinh nào muốn tìm học tâm bồ đề cũng không tìm được.”

Tâm bồ đề này khi phát khởi thì được trang hoàng bằng hành trang công đức. Nó phát khởi với thực chứng, do hành trang trí tuệ. Nó là hạt giống của tất cả đức hạnh Phật. Nó không bị tan vỡ vì bất cứ hiện tượng nào. Nó là nhà ở của mọi phúc lạc.

Tâm bồ đề khi phát khởi là đã tích lũy hành trang Bố thí. Nó phát khởi với quyết định mãnh liệt do hành trang Giới hạnh. Nó phát khởi trong niềm cung kính, vì được trang bị với hành trang Nhẫn nhục. Nó phát khởi thì vô địch, do hành trang Tinh tấn. Nó phát khởi với những đặc tướng của tịnh chỉ do hành trang Thiền định. Nó phát khởi không bị chướng ngại, do hành trang Tuệ giác.

Vì đã tích tụ đại Từ, nên tâm bồ đề phát khởi không có ác ý. Vì đã tích tụ đại Bi, nên tâm bồ đề phát khởi với những gốc rễ vững chắc. Vì đã tích tụ đại Hỷ, nên tâm bồ đề trú trong hỷ lạc và niềm vui tối thượng. Trong đại Xả, tâm bồ đề không bị giao động vì khổ hay vui. Tâm bồ đề được gia trì bởi sự gia trì của Phật. Phương pháp của nó vững bền, vì những hàng ngũ tín đồ của Ba ngôi báu không bao giờ đứt đoạn. Khi Tâm bồ đề phát khởi thì tất cả chúng hội chư Phật mười phương đều ca ngợi “Lành thay.” Thưa tôn giả Xá Lợi Phất, có thể nào một cái tâm của đấng Biến tri như vậy sẽ bị hủy diệt không?

Xá Lợi Phất đáp: “Thiện nam tử, không thể được. Cho rằng một tâm như vậy hủy diệt thì cũng như nói hư không có thể hủy diệt”.

Khi ấy Aksayamati nói: “Thưa thượng tọa Xá Lợi Phất, đúng thế. Tâm của đấng Biến tri là bất diệt, và vì tâm bồ đề của một Bồ tát là căn bản của Phật tâm, cho nên tâm bồ đề cũng bất diệt”.

Như thế là tính chất độc nhất vô nhị của Tâm bồ đề trong đạo Đại thừa, cái tâm thù thắng nhất trong cả thế gian, cái tâm không bỏ một chúng sinh nào. Đây là Tâm mà chư Bồ tát ở địa vị cao đã làm cho trong sạch, là Tâm làm cho Bồ tát thành Bồ tát. Các ngài che chở, giữ gìn nó không gián đoạn, làm nó tăng trưởng qua các Địa vị. Và chính vì đấy là Tâm của chư Phật, nên vị Bồ tát nào phát khởi tâm bồ đề thì từ lúc ấy trở đi mãi mãi được sự che chở hộ trì của những vị trời hoan hỉ trong nền Giáo lý này. Vào giờ chết, vị ấy vui vẻ, được chư thần bảo vệ qua cõi Trung ấm và trong thai mẹ cùng suốt thuở ấu thơ. Mọi công hạnh căn bản của Bồ tát tiếp nối qua đời sau, và tâm thức của vị ấy vẫn duy trì dòng công đức.

Và Luận sư Santideva nói trong Tiến trình hành đạo: “Tất cả công đức khác giống như cây chuối.”

Khi trổ quả thì khởi sự úa tàn

Nhưng cây Bồ đề tâm thì tăng trưởng

Ngày càng thêm lớn, quả nó không hư hoại

Bởi thế, vì Tâm bồ đề bất diệt, nên tất cả công đức của nó tăng trưởng trong các Đạo lộ thuộc thế gian và Siêu thế, và quả của các công đức ấy không diệt mất ở Phật địa.

6. Nghi thức phát Bồ đề tâm và lợi ích của sự phát tâm

Sau khi quy y Tam bảo và hiến dâng những gì mình có thể, để cúng dường ba ngôi báu và bậc thầy (Bạn lành), giới tử kế tiếp làm lễ thọ tâm Bồ đề với bậc thầy mình đã quy y. Bằng tâm nguyện thành khẩn vị ấy suy nghĩ: “Bậc thầy cũng như Phật đang ngồi trước mặt tôi. Tôi cũng sẽ hoàn tất mọi hành vi vĩ đại của tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai.”

Quỳ cả hai gối và dâng một cành hoa, hai tay chắp lại, giới tử nói ba lần:

Hỡi đấng Biến Tri, mẫu mực của trí tuệ,

Người tịnh hóa bánh xe sinh tử,

Con không có bậc thầy nào để nương tựa,

Ngoại trừ dưới bàn chân như hoa sen của thầy

Hỡi bậc anh hùng của loài hữu tình,

Xin bậc Đại Hiền gia tâm thương xót con !

Xin đấng thánh ban cho con

Tâm Bồ Đề tối cao, thù thắng !

Khi ấy bậc thầy Bạn lành triệu thỉnh tất cả chư Phật Thế Tôn trong mười phương vũ trụ đến làm chứng, cũng như thỉnh cầu tất cả chư Bồ tát ở địa vị cao và các bậc thầy Bạn lành trong quá khứ và hiện tại. Trước mặt họ, giới tử thanh lọc dòng tâm thức bằng nghi lễ nói trong kinh Thiện Hành và kinh Tiến Trình Bồ tát hạnh. Khi người đệ tử đã hoàn toàn tịnh hóa được dòng tâm thức, vị ấy lại cầm hoa khẩn cầu bậc thầy. Không nghĩ đến lợi lộc danh tiếng sự tán dương hay quà tặng của người đệ tử, vị thầy nghĩ : “Thật là kỳ diệu, vào thời đại khủng khiếp này lại có một chúng sinh thánh thiện như thế. Kỳ diệu thay!”

Đấy là cách cử hành lễ phát tâm Bồ Đề với một ý hướng cao cả.

Phát tâm bồ đề có mười lợi ích như sau, theo Geshe Geltsang:

· Lợi ích thứ nhất là, bồ đề tâm là cửa ngõ đi vào những đạo lộ đại thừa. Cũng như muốn vào một gian phòng chúng ta cần phải đi qua cái cửa lớn, muốn thành một tu sĩ đại thừa giáo thì ta phải phát tâm vị tha cầu giác ngộ. Chỉ đọc sách vở về đại thừa chưa đủ, chúng ta cần phải thực hành bồ đề tâm. Nếu không có động lực là tâm bồ đề, thì những pháp tu cao cấp thuộc Kinh giáo và Mật giáo sẽ không bao giờ trở thành những pháp hành đại thừa thực sự.

· Thứ hai là, một người phát tâm bồ đề trở thành thiện nam hoặc thiện nữ của chư Phật. Vị ấy, dù nam hay nữ cũng trở thành một phần tử trong đại gia đình chư Phật. Điều này rất lợi lạc vì một khi đã vào trong gia đình của chư Phật thì ta sẽ nhanh chóng thành Phật.

· Lợi ích thứ ba của tâm bồ đề là ta thù thắng hơn những bậc đã chứng đắc thuộc đạo lộ tiểu thừa. Nói chung, những hành giả tiểu thừa như A la hán là những vị đã đạt chứng ngộ rất cao vì đã từ bỏ tâm mê vọng. Họ có thể duy trì trạng thái tâm an lạc và do vậy, so với phàm phu thì họ là những bậc đã tu chứng cao. Nhưng nhờ đạt đến tâm bồ đề tôn quý mà ta có thể thù thắng hơn những vị a la hán và những hành giả tiểu thừa, vì họ không có bồ đề tâm. Cũng như một hoàng tử hay công chúa dù còn rất bé cũng cao quý hơn những ông quan to trong triều đình, người đã phát tâm bồ đề cũng thù thắng hơn những bậc đã chứng đắc cao ở trong đạo lộ tiểu thừa.

· Lợi ích thứ tư là, khi có tâm bồ đề thì người ta trở thành đối tượng cho kẻ khác tôn trọng cúng dường. Bất kể tướng bên ngoài hay địa vị xã hội như thế nào, một người phát tâm bồ đề vị tha cũng trở thành xứng đáng với sự cung kính tôn trọng của nhân loại và chư thiên như Phạm vương, Đế thích.

· Thứ năm, một người có tâm bồ đề thì có thể tựu thành hai thứ tích lũy một cách rất nhanh chóng. Hai tích lũy về phước đức và trí tuệ có thể khiến cho người ta đạt đến giác ngộ. Sự tích lũy viên mãn về phước đức đưa đến sự thành tựu thân Phật, và sự viên mãn về trí tuệ giúp người ta có được tâm Phật.

· Lợi ích thứ sáu của việc đào luyện tâm bồ đề là, nó tịnh hóa những chủng tử ác nghiệp nặng nhất mà ta đã tích lũy trong quá khứ. Có nhiều câu chuyện có thực về năng lực của tâm bồ đề có thể tịnh hóa ác nghiệp.

· Lợi ích thứ bảy là ta mau chóng thành tựu được các ước nguyện. Điều này có nghĩa rằng nếu ta nguyện thoát ly khổ sinh tử và giải thoát chúng sinh khỏi khổ sinh tử, thì tâm bồ đề có thể hoàn tất việc này. Nhờ năng lực bồ đề tâm mà bản thân ta cùng tất cả hữu tình có thể cảm nhận được hạnh phúc trong sáng vô biên, vô cùng tận.

· Lợi ích thứ tám là những phi nhân, ma quỷ và bốn đại chủng bên ngoài – đất nước lửa gió – không thể làm hại người có bồ đề tâm. Phi nhân ma quỷ và đất nước lửa gió sẽ không làm hại được người có tâm bồ đề, cho nên Bồ tát không có gì sợ hãi do vì yêu mến kẻ khác hơn chính bản thân mình. Bồ tát đối với người khác như mẹ đối với con. Khi người nào cố hại một vị Bồ tát, thì Bồ tát không bao giờ cảm thấy sợ hãi mà lại phát khởi từ tâm đối với người ấy. Vì những lý do ấy, nếu ta phát bồ đề tâm thì ta sẽ thoát khỏi những nỗi lo sợ.

· Lợi ích thứ chín của sự phát bồ đề tâm là ta sớm thành tựu được năm đạo lộ đại thừa và mười địa vị Bồ tát. Bồ tát cần phải trải qua những con đường và những địa vị ấy mới đạt đến toàn giác được. Ví dụ nếu ta muốn đi từ tỉnh York đến Luân đôn bằng tàu hỏa thì trên lộ trình ta cần phải đi qua một số nhà ga. Cũng thế, muốn đạt đến giác ngộ ta phải trải qua mười trạm trên lộ trình giác ngộ. Những trạm này không phải là những ga tàu hỏa mà đúng hơn, là mười địa vị tâm linh của những thánh giả. Sau khi đến được địa thứ mười, thì quả vị Phật (hay Vô thượng bồ đề) sẽ được chứng đạt.

· Cuối cùng, lợi ích thứ mười của tâm bồ đề là, người có bồ đề tâm sẽ nhanh chóng đạt được toàn giác. Tất cả những ai đã đạt thành quả vị toàn giác cũng đều nhờ phát tâm bồ đề vị tha mà đạt được. Bởi vậy chúng ta nên hướng tất cả nghị lực của mình về sự phát bồ đề tâm để nhanh chóng đạt đến giác ngộ.

7. Những điều không nên làm và nên làm sau khi phát tâm

Bạn phải tránh bốn điều làm suy yếu tâm bồ đề, ấy là: 1. Lừa dối bậc thầy, đạo sư, người hướng dẫn và những người đáng kính trọng.
2. Làm cho người khác cảm thấy tội lỗi khi không có lý do gì để có mặc cảm ấy. 3. Khinh thường, bôi nhọ, hủy báng một người đã vào đại thừa. 4. Đi đến người láng giềng để dối trá lừa bịp và có những động cơ không thích đáng.

Và bạn phải làm bốn điều không làm suy yếu tâm bồ đề, ấy là: 1. Không nói lời không thật, dù là để thoát chết, lại càng không nên nói dối để chuốc lấy chê bai. 2. Sống giữa những người có ý hướng cao đẹp và không dối trá lừa bịp. 3. Xem tất cả Bồ tát như đấng đạo sư và đi đâu cũng thốt lời ca tụng họ. 4. Thúc giục tất cả hữu tình mà bạn có ảnh hưởng, để họ phát tâm Vô thượng Bồ đề, không để cho họ ưa thích Cỗ xe hạn cuộc.

8. Lợi ích của Bạn Lành

Sau khi quy y và phát tâm Bồ đề, Phật tử cần nương tựa gần gũi thầy, bạn tốt gọi chung là Bạn Lành để nung nấu và tăng trưởng tâm bồ đề, như Thiện tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm đi tham học 53 vị thiện tri thức. Kinh Hoa Nghiêm bản Tạng ngữ có những đoạn nói về Bạn lành như sau.

“Thiện nam tử, Bồ tát được Bạn lành khéo hướng dẫn thì không rơi vào các cõi xấu. Một Bồ tát được sự chở che của Bạn lành thì tu tập không lỗi lầm. Nhờ Bạn lành làm động lực thúc đẩy mà Bồ tát siêu việt thế gian này. Nhờ kính lễ bậc Bạn lành mà tâm Bồ tát kiên cố không quên tu tập. Nhờ Bạn lành nuôi dưỡng mà Bồ tát không thể bị ác hành xâm chiếm.

Chính bạn lành làm cho Bồ tát mong muốn làm những việc cần làm. Bạn lành khiến cho Bồ tát hết dửng dưng, và lôi Bồ tát ra khỏi đô thị sinh tử. Bởi thế, này thiện nam tử, ngươi phải luôn luôn bước đi với sự hiện diện của những bậc Bạn lành. Với tâm như đại địa, không lún xuống dưới sức nặng của vạn vật. Với tâm như kim cương, không hề thay đổi. Với tâm như chó con, khó bị khiêu khích. Với tâm như rặng núi, không bị khổ làm lay động. Với tâm như tôi tớ, không phàn nàn trong bất cứ công việc gì. Như người quét, quét sạch kiêu mạn; như toa xe chuyên chở những gánh nặng; như con thuyền đến và đi không biết mệt. Với tâm như bé trai, luôn học hỏi gương mặt của Bạn lành. Với một tâm như vậy, hãy cung kính phụng sự bậc Bạn lành.”

Thiện nam tử, ngươi phải tự xem mình như người bệnh, Bạn lành như lương y, chỉ giáo của vị ấy như thuốc, và muốn chữa bệnh thì hãy ghi lòng tạc dạ những lời thầy khuyên.

9. Định nghĩa tâm Bồ đề 

Từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật cũng một tâm Bồ đề ấy nhưng dần tăng trưởng qua nhiều giai đoạn tu hành như sơ phát tâm, tư lương, gia hạnh, kiến đạo, cứu cánh. Hoặc 10 tín, 10 trú, 10 hạnh, 10 Hồi hướng và 10 địa. Vắn tắt, sau khi phát bồ đề tâm, hành giả cần phải lập Bồ đề nguyện và hành Bồ tát hạnh. Nguyện là quyết định làm một việc gì nhưng chưa khởi sự, và Hạnh là thực sự bắt tay vào công việc ấy. Bồ đề nguyện rất quan trọng, vì nó là sức mạnh của tâm nguyện bồ đề trải qua nhiều đời kiếp không lui sụt. Nó bao hàm sự duy trì tâm nguyện đạt giác ngộ và có ý hướng tốt đẹp đối với thiện hành của tất cả chúng sinh, gọi là vui theo, và hồi hướng công đức. Như đức Thế Tôn nói trong kinh Lời khuyên vua:

“Này đại vương, ông quả thực rất bận rộn vì phải làm nhiều phận sự. Ông không thể thực hành đầy đủ mọi chi tiết của các hạnh ba la mật từ bố thí cho đến trí tuệ. Bởi thế này Đại vương, hãy luôn luôn tỉnh giác và duy trì trong tâm ông sự khát khao đạt đến vô thượng Bồ đề. Hãy đào luyện lòng khát khao ấy với đức tin, thận trọng, quyết định, dù khi đi hay ngồi, ngủ hay thức, ngay cả khi ăn khi uống. Rồi gom góp và cân nhắc tất cả những thiện hành mà ông đã làm hay sẽ làm, cùng tất cả những thiện hành của chư Phật và cả đến của phàm phu, và hãy vui theo công đức ấy. Hãy vui theo, bởi vì khối lượng công đức này là tột đỉnh của những niềm vui, vô hạn như không gian. Nó cũng tương tự như chính Niết Bàn.

Sau khi vui theo, hãy hiến dâng những công đức ấy cho tất cả chư Phật, Bồ tát, Thanh văn và Độc giác. Rồi làm việc ấy cùng với tất cả hữu tình.

Rồi ngày này qua ngày khác, mỗi ngày ba lượt, hãy hồi hướng những công đức ấy lên tất cả hữu tình, cầu cho họ đạt đến toàn trí, để họ có thể kiện toàn đức tính của Phật quả và đạt đến Vô thượng Bồ đề. Này đại vương, nếu nhà vua sống được như vậy ngay khi còn làm vua, tức ngài kiện toàn hành trang để đạt giác ngộ mà vẫn không xao lãng phận sự làm vua.”

Luận sư Sàntideva cũng nói như vậy trong tác phẩm Toát yếu tu tập :

“Đừng khinh thường việc chỉ phát tâm Bồ đề mà thôi. Mặc dù không thực hành, nó vẫn phát sinh vô lượng an vui ngay trong sinh tử. “

Tiềm năng của Tâm ấy cũng được mô tả trong chương Di Lặc nói về giải thoát trong kinh Hoa Nghiêm :

“Này đồng tử Thiện Tài, cũng như một viên kim cương quý báu, dù đã bị tách ra cũng chói sáng vượt hơn bất cứ vương miện nào bằng vàng, nó có thể xóa tan sự cùng khốn của người ta, mà không giảm cái danh ngọc quý. Cũng thế, này đồng tử, sự phát tâm bồ đề dù chưa có hành động cũng vẫn sáng chói vượt hơn toàn thể những gì mà Thanh văn và Độc giác thành tựu được.” Và mặc dù nó xóa tan mọi nghèo cùng của sinh tử, nó cũng không mất danh tiếng của nó là Tâm Bồ Đề.

Lại nữa, kinh Lời Khuyên Vua nói:

“Này đại vương, ông đã được tái sinh vào cõi trời nhiều lần vì những thiện hành do sự phát tâm bồ đề của ông được thuần thục. Tôi không cần bảo ông hậu quả sẽ ra sao nếu ông phát tâm ấy nhiều lần hơn nữa.”

10. Nguyện bồ đề và Hạnh bồ đề

Về ý nghĩa của tâm nguyện Bồ đề và tâm hạnh bồ đề, kinh Hoa nghiêm nói:

“Thiện nam tử, thật hiếm có những chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề; nhưng càng hiếm có hơn nữa là những chúng sinh lập hạnh bồ đề.”

Và Santideva nói trong tác phẩm Toát yếu Tu tập:

“Bồ đề tâm có hai loại: tâm quyết định đạt giác ngộ (bồ đề nguyện), và tâm hướng về sự thực hành để đạt giác ngộ (bồ đề hạnh).”

Ngài cũng nói trong tác phẩm Bồ đề hạnh (Tiến trình tu tập) :

Như người ta biết sự khác nhau

Giữa muốn đi và thực sự đi;

Người trí nên biết sự khác nhau

Giữa hai giai đoạn trong tâm bồ đề.

Lại nữa, cũng trong tác phẩm Toát yếu tu tập: “Bồ đề nguyện khởi lên do quyết định: ta phải thành Phật.” Do vậy, Bồ đề nguyện là sự tập trung, dán chặt vào mục đích đạt Toàn giác, như kinh dạy:“Lập tâm nguyện bồ đề là mong muốn thành tựu Giác ngộ viên mãn để lợi lạc cho tất cả hữu tình.”

Còn lập hạnh Bồ đề là tập trung, dán chặt vào những công đức thuộc đạo lộ tu hành, như được nói trong Trang nghiêm kinh:

[1] Trước hết là phát tâm bồ đề, sau đó là: [2] làm những việc tự lợi, lợi tha; [3] chứng nhập Không tính hay Chân như, [4] Thành tựu các năng lực, [5] Tự tịnh cõi phật [6] thành thục hữu tình và cuối cùng là [7] sự giác ngộ tối thượng (Vô thượng bồ đề.)

“Tâm bồ đề có 2 đức tính khiến người ta giữ nó không lui sụt, đó là tâm nguyện và tâm hạnh bồ đề (Bồ đề Nguyện và Bồ đề Hạnh). Tâm nguyện gồm có thành thật và không lừa đảo. Tâm hạnh gồm có xả và đức hạnh thù thắng… Bốn đức này lại bao gồm vô số đức tính khác.”

Kinh Toát yếu về Pháp nói :

“Tâm hạnh bồ đề là lòng mong muốn có những đức tính đặc biệt: sự yêu mến đối với chúng sinh, thương khắp mọi loài, kính trọng những bậc đáng kính, thương xót tất cả hữu tình, trung thành hầu hạ bậc thầy. Tâm hạnh bồ đề là chỗ nương, là người che chở, là hòn đảo, là chỗ trú cuối cùng cho người không chỗ nương, không ai che chở, không có một hòn đảo, không chỗ trú cuối cùng.”

Trong kinh Aksayamati cũng nói:

“Lại nữa, thưa Thượng tọa Xá lợi phất, Tâm hạnh bồ đề của Bồ tát thì bất diệt, vì sao ? Vì nó được nâng đỡ tối thượng bằng tất cả các đức tính căn bản. Hơn nữa, mỗi một ý nghĩ mà Bồ tát khởi lên đều được nâng đỡ bởi tâm hạnh bồ đề của vị ấy với động cơ thánh thiện. Sự luân hồi đưa vị ấy từ địa vị thấp lên cao chính nhờ Tâm hạnh bồ đề… Bởi thế tôi nói rằng, thưa Thượng tọa Xá Lợi Phất, tâm hạnh bồ đề của Bồ tát là bất diệt…. Như rừng và mùa gặt được tốt tươi là nhờ đất tốt, ta nên hiểu tất cả đức tính làm nên một đức Phật sẽ lớn lên và tăng trưởng từ nền tảng tâm hạnh bồ đề.”

Nhờ có bồ đề nguyện mà ngã chấp dần dần bị tiêu diệt. Nhờ bồ đề hạnh mà hành giả viên mãn hành trang phước và trí để thành Phật.

Bồ đề tâm lại còn được phân làm hai loại là tương đối và tuyệt đối. Tương đối là 5 hạnh ba la mật khởi từ bố thí đến thiền định. Tuyệt đối là tuệ giác Bát nhã thực chứng chân không, xem tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh (Kinh Kim cương). Bồ đề tương đối là hành trang về Phước, còn gọi là Phương tiện. Bồ đề tâm tuyệt đối là hành trang về Trí hay Tuệ giác, nhưng ngay từ buổi sơ phát tâm, hai thứ cũng phải không rời nhau mới có thể tiến tu cho đến viên mãn Vô thượng bồ đề. Kinh Kim cương dạy: “Đem tâm vô ngã vô nhân vô chúng sinh vô thọ giả mà tu hết thảy thiện pháp thì được thành Phật.” Không bốn tướng ngã nhân … là đạt Tính không, tức trí tuệ; tu hết thảy thiện pháp khởi từ Bố thí… cho đến thiền định ba la mật, thuộc về tu Phước.

Muốn làm việc phước một cách rốt ráo (ba la mật) thì phải thấy không có mình làm, không có việc phước, cũng không có đối tượng là chúng sinh. Như bố thí đừng thấy có người cho, kẻ nhận, vật cho; nhẫn nhục cũng đừng thấy có người nhục mạ, mình bị nhục mạ, và sự nhục mạ… Muốn thế phải quán sát như bài kệ kết thúc Kinh Kim cương dạy: “Hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp. Hãy quán sát như vậy.”

IV. KẾT

Tâm ta vốn là tâm Phật, đầy đủ diệu dụng như Phật, nhưng từ vô thủy kiếp, chúng ta đã sử dụng tâm ấy một cách sai lạc khiến ta phải trầm luân. Phật là người đã quay trở về, như người mê đã tỉnh. Khi tỉnh hẳn ngài mới thấy tất cả chuyện trầm luân sinh tử, và cả đến chuyện tu hành qua các giai đoạn, cho đến chứng quả đều chỉ là một giấc chiêm bao. Cho nên cái thấy chính xác nhất là cái thấy “như huyễn” của Đại thừa, và đấy là cái thấy mà người mới phát tâm cầu giác ngộ cần luyện tập. Atisha cũng viết trong Ngọn đèn soi đường giác ngộ như sau:

…”Và như vậy, Bồ tát sơ phát tâm phải luôn luôn ý thức rằng toàn thể thân, mạng sống và những lạc thú của mình, cùng tất cả hiện tượng trong sinh tử cũng như niết bàn, chỉ là một giấc chiêm bao. Như mộng, là Ba ngôi báu mà trong mộng họ đang kính lễ. Như mộng, là dòng sinh tử luân hồi trong đó họ chịu khổ đau. Như mộng là những chúng sinh mà tâm đại bi như mộng của họ phải nhọc lòng thương xót…”

Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải

Trích: Bóng nguyệt lòng sông