19989708_1286168678149121_7988091981813053965_n

Tinh tấn siêu việt

Chỉ vì lợi ích của bản thân, các vị Thanh Văn và Duyên Giác Phật, nỗ lực giống như ai đó cố gắng dập tắt ngọn lửa cháy trên tóc; nhận thấy điều này, vì lợi ích của tất thảy chúng sinh, thực hành tinh tấn, suối nguồn của mọi phẩm tánh hoàn hảo là Pháp hành của một vị Bồ Tát.

Để đánh thức và phát triển các Ba la mật, tinh tấn là điều quan trọng. Tinh tấn là điều quan trọng. Tinh tấn là nỗ lực hoan hỉ và ý định tích cực muốn tiến hành các hoạt động thiện lành, không mong chờ vào sự hài lòng cá nhân.

Tinh tấn có ba khía cạnh. Đầu tiên, tinh tấn như giáp sắt, là phát triển lòng dũng cảm hân hoan, thứ mà bạn mang trên người giống như vũ khí chống lại sự nản lòng. Thứ hai là tinh tấn trong hành động, đó là việc bắt đầu tích tập công đức thông qua thực hành sáu Ba la mật không trì hoãn hay chần chừ. Thứ ba là tinh tấn không thể ngăn cản, một năng lượng không ngừng nghỉ để làm việc vì lợi lạc người khác. Tinh tấn cần hòa vào thực hành của các Ba la mật khác và củng cố sức mạnh cho tất cả.

Kiểu đầu tiên, tinh tấn như áo giáp, là việc mang trên người áo giáp của sự quyết tâm mạnh mẽ và dũng cảm rằng bạn sẽ không bao giờ trở thành nạn nhân của các chướng ngại tạo ra bởi bốn ma vương (các cảm xúc phiền nào, tham luyến vào sự hài lòng, bệnh tật vật lý, và cái chết), mà sẽ kiên quyết, dù điều gì đến, trong nỗ lực để hoàn thành các hoạt động phi thường của một vị Bồ Tát cho đến khi bạn thiết lập mọi chúng sinh trong giác ngộ.

Kiểu thứ hai, tinh tấn trong hành động, là lòng kiên nhẫn quyết chí trong việc áp dụng thực sự ước nguyện đó. Cảm thấy vui vẻ khi có thể thực hành, đi trên năm con đường và đạt đến mười cấp độ, bạn nhiệt thành thực hiện nhiều hoạt động tốt lành khác nhau, đặc biệt là nghiên cứu, quán chiếu và thiền định. Tham gia vào tất cả các hoạt động này, hãy duy trì lòng dũng cảm không thể chinh phục và đừng trở thành nạn nhân của sự nhụt chí, lười biếng hay chần chừ.

Kiểu thứ ba, tinh tấn không thể ngăn cản, là năng lượng không ngừng nghỉ để làm việc vì lợi ích người khác. Ngày đêm, hãy tham gia theo từng cách có thể, trực tiếp hay gián tiếp, trong ý nghĩ, lời nói và hành động để làm lợi lạc chúng sinh. Nếu bạn không thể giúp họ trực tiếp, bạn không nên giữ điều gì trong tâm ngoại trừ lợi ích của người khác, và hồi hướng mọi thứ bạn làm vì sự chứng ngộ Phật quả của họ. Đừng bao giờ cảm thấy hài lòng với bản thân vì một vài phẩm tánh tốt đẹp bạn có thể đạt được, và đừng bao giờ lệch hướng khỏi mục tiêu của bạn vì sự chê bai của người khác hay các hoàn cảnh đối nghịch. Chỉ duy trì lòng quyết tâm tiếp tục không ngừng đến khi đạt được mục tiêu.

Mỗi kiểu trong ba kiểu tinh tấn đều có sự đối lập tương ứng trong sự lười biếng.

Kiểu lười biếng đầu tiên là không mong muốn gì khác ngoài sự thỏa mãn của bản thân. Nó hiển bày như là xu hướng thích ngủ và ngồi không, mong cầu thỏa mãn và hài lòng ngay lập tức, và khi làm như vậy thì thờ ơ với Pháp. Cách thức đối trị là thiền định về cái chết và vô thường.

Kiểu lười biếng thứ hai là nhút nhát. Bạn cảm thấy nản chí trước khi bạn bắt đầu cố gắng làm thứ gì, bởi bạn nghĩ rằng một người như bạn sẽ không bao giờ đạt được giác ngộ, dù cố gắng ra sao. Cách thức đối trị là củng cố lòng dũng cảm bằng cách quán chiếu về những lợi lạc của giải thoát và giác ngộ.

Kiểu lười biếng thứ ba là sự thờ ơ với những điều thực sự quan trọng. Bạn có thể vướng vào các thói quen xấu và không lợi lạc. Quên hay lờ đi các mục tiêu sâu sắc hơn, bạn bận rộng với các vấn đề trong cuộc đời này. Cách thức đối trị là nhận ra rằng các mối bận tâm thế tục đều là nguồn gốc của khổ đau, và tránh xa chúng.

Người ta làm việc với nỗ lực lớn lao, ngày đêm, để hoàn thành những thứ chỉ vì sự hài lòng, danh vọng hay quyền lực của bản thân – nói cách khác, vì những thứ mà trong dài hạn là hoàn toàn vô nghĩa. Tuy trong số các khó khăn mà bạn trải qua vì lợi ích của Pháp, không một cái nào là không có ý nghĩa. Các hoàn cảnh khó khăn bạn trải qua sẽ giúp bạn tịnh hóa các ác nghiệp tích lũy trong nhiều đời trước, và tích lũy công đức cho các đời tương lai. Chúng chắc chắn rất có ý nghĩa.

Không tinh tấn, Bồ đề tâm và các hoạt động của một vị Bồ Tát sẽ chẳng thể bám rễ và phát triển trong tâm bạn. Như ngài Padampa Sangye từng nói:

Nếu sự nhẫn nhục của con không có sức mạnh, con sẽ không thể đạt đến Phật quả; hỡi những người Tingri, hãy chắc chắn rằng con đã mặc thứ áo giáp đó.

Phật Thích Ca Mâu Ni nổi tiếng vì đã đưa tinh tấn Ba La Mật đến sự hoàn hảo tuyệt đối. Sức mạnh và công đức được sinh ra từ lòng nỗ lực của ngài qua nhiều đời đã giúp ngài tái sinh một nghìn lần làm vị vua của vũ trụ, nhưng thay vào đó, ngài lựa chọn để hướng mọi nỗ lực đến việc giác ngộ. Là những đệ tử của Đức Phật, chúng ta cần sử dụng câu chuyện về cuộc đời ngài và các câu chuyện về những vị Thánh Tăng trong quá khứ làm các hình mẫu truyền cảm hứng. Ví dụ, ngài Jetsun Milarepa, bộc lộ sự nỗ lực vô cùng, chịu rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu rộng lớn. Đức Vairochana[1] đi đến Ấn Độ để thọ Pháp khi còn rất trẻ, trải qua 57 khó khăn vô cùng để thọ nhận giáo lý và thường đến rất gần việc mất mạng. Ngài và các đại dịch giả khác của xứ Tây Tạng trải qua vô vàn khó khăn trên con đường – nắng nóng và bệnh tật địa phương ở Ấn Độ, sự thù ghét ghê gớm của những kẻ cai trị, và nhiều điều khác. Tuy nhiên, các ngài đã nhẫn nhục và thành công trong việc mang Pháp về với Tây Tạng.

Hiện nay, bạn đang sống trong những đất nước mà Pháp mới chỉ bám rễ, như là chồi non mỏng manh trong đất. Chỉ sự tinh tấn được duy trì của bạn mới mang nó đến kết quả. Tùy thuộc vào nỗ lực bạn đưa vào nghiên cứu, quán chiếu và thiền định, hòa nhập điều bạn hiểu vào thực hành tâm linh, thành tựu có thể đến sau vài ngày, vài tháng hay nhiều năm. Hãy duy trì hạnh khiêm cung, và luôn biết rằng những nỗ lực của bạn như trò chơi trẻ con được sánh với hoạt động như đại dương của chư Đại Bồ Tát. Hãy giống như người mẹ cung cấp cho những đứa con yêu quý, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã làm quá nhiều cho người khác – hay thậm chí là bạn đã làm đủ rồi. Nếu cuối cùng bạn xoay sở thành công trong việc thiết lập mọi chúng sinh trong Phật quả nhờ những nỗ lực của bạn, bạn hãy đơn giản chỉ nghĩ rằng mọi ước nguyện của bạn đã hoàn thành. Đừng bao giờ hy vọng điều gì đền đáp.

Một vị Bồ Tát cần phải tinh tấn hơn nhiều các vị Thanh Văn và Duyên Giác Phật, bởi Bồ Tát lãnh trách nhiệm hoàn thành hạnh phúc tối thượng cả Phật quả cho không chỉ bản thân mà còn vô số chúng sinh khác. Như người ta thường nói:

Anh hùng mang trên đầu gánh nặng của tất thảy chúng sinh không thoải mái để bước chậm rãi. Và:

Bởi tôi và tất thảy người khác đều bị trói chặt bởi một trăm sợi dây. Tôi cần tinh tấn gấp trăm lần.

Để tinh tấn tăng trưởng, hãy quán chiếu về vô thường. Cái chết là chắc chắn và nó có thể đến bất cứ lúc nào và rất nhanh chóng. Hãy nghĩ xem các vấn đề thế tục của cuộc đời này ngắn ngủi và giả tạo ra sao trong ánh sáng đó, và bạn sẽ tự do thế nào nếu bạn có thể chuyển tâm khỏi chúng. Nếu bỗng nhiên bạn nhận ra trong lòng mình, trong một nếp gấp quần áo, một con rắn độc đang lẩn trốn, liệu bạn có chờ đợi để hành động không – thậm chí chỉ một giây?

[1] Lochen Vairochana, bậc xuất sắc nhất trong các dịch giả vĩ đại xứ Tây Tạng trong thời Cựu Dịch, và là một trong tám đệ tử thân thiết nhất của Đạo sư Liên Hoa Sinh.

 Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích từ nguyên tác: “The Heart of Compassion – The Thirty-Seven Verses on The Practice of a Bodhisattva” by Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguồn: TINH TẤN SIÊU VIỆTTHỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT