meditation-1024x683

Thiền định về tâm xả

Xả (tiếng Tây Tạng là tang nyom) có nghĩa là từ bỏ (tang) sự thù ghét kẻ thù và sự bám luyến bằng hữu, và giữ một thái độ bình thản (nyom) đối với tất cả chúng sinh, thoát khỏi tâm trạng dính mắc với những người thân cận và lòng ác cảm với những người không thân thiết.

Như hoàn cảnh hiện nay, chúng ta rất gắn bó với những người mà ta nghĩ là thành viên của tập thể của riêng ta – cha, mẹ, những người thân thuộc, v.v… – trong khi chúng ta thù ghét thậm tệ kẻ thù của ta và những người liên kết với kẻ thù của ta. Đây là một lỗi lầm, và điều này xuất phát từ việc thiếu truy xét.

Trong những đời trước, những người mà giờ đây chúng ta coi như kẻ thù chắc chắn đã từng thân thiết với ta, luôn yêu thương, kề cận, chăm sóc chúng ta với thiện ý, và hiến tặng cho ta mọi sự giúp đỡ và nâng đỡ ta không cách gì có thể tưởng tượng nổi. Trái lại, nhiều người mà giờ đây ta gọi là bạn bè chắc chắn đã từng chống lại ta và làm hại ta. Như chúng ta thấy trong chương viết về vô thường, điều này được minh họa bởi những lời của Ngài Katyayana siêu phàm:

Hắn ăn thịt cha, đánh đuổi mẹ, 
Hắn nâng niu trong lòng kẻ thù mà hắn đã giết; 
Người vợ đang gặm xương chồng. 
Ta bật cười khi chứng kiến màn sinh tử hiển bày! 

Một ví dụ khác là câu chuyện của Công Chúa Pema Sel, con gái của vị Pháp Vương Trisong Detsen. Khi cô chết vào tuổi mười bảy, cha cô tới hỏi Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) làm sao một việc như vậy có thể xảy ra.

“Tôi nghĩ con gái tôi phải là người có những hành vi thanh tịnh trong quá khứ,” nhà vua nói. “Nó đã sinh ra làm con gái của Vua Trisong Detsen. Nó đã gặp tất cả các Ngài, là những dịch giả và học giả chẳng khác nào những vị Phật đích thực. Như vậy làm sao cuộc đời của nó lại ngắn ngủi như thế?”

“Hoàn toàn không phải do những hành vi thanh tịnh trong quá khứ mà công chúa sinh làm con Ngài,” Đạo Sư trả lời. “Xưa kia, Ta; Liên Hoa Sanh, cùng Ngài, Pháp Vương vĩ đại, và Đại Bồ Tát Tu viện trưởng bị sinh ra làm ba đứa trẻ thuộc giai cấp hạ tiện. Chúng ta đang xây dựng Đại Bảo Tháp Jarung Khashor. Lúc đó công chúa sinh làm một côn trùng chích vào cổ Ngài. Ngài lấy tay gạt đi và ngẫu nhiên giết chết nó. Vì món nợ Ngài vay trong kiếp đó, con côn trùng đã tái sinh làm con gái của Ngài.”

Pháp Vương Trisong Detsen là người được xem là Hóa Thân của Bồ Tát Văn Thù mà con gái của Ngài lại có thể sinh làm con Ngài theo con đường tái sinh như vậy, do nghiệp chín muồi trổ quả từ một hành vi tạo tác trong quá khứ – như vậy thì ta còn có thể nói gì hơn về trường hợp của những chúng sinh khác?

Hiện nay, ta có một mối liên hệ hết sức thân thiết với cha mẹ và con cái chúng ta. Ta cảm thấy hết sức thương yêu họ và có những ước nguyện lạ thường đối với họ. Khi họ đau khổ, hay bất kỳ điều gì không vừa ý xảy ra với họ thì chúng ta bối rối lo âu còn hơn là khi điều đó xảy ra với cá nhân ta. Tất cả những điều này chỉ là sự đền trả cho điều ác mà chúng ta đã gây ra cho nhau trong những đời quá khứ.

Trong tất cả những người mà giờ đây chúng ta coi là kẻ thù, không ai chưa từng là cha hay mẹ trong một chuỗi dài những đời trước của ta. Ngay cả giờ đây, việc ta coi họ như những người chống lại ta không nhất thiết có nghĩa là họ thực sự làm điều ác đối với ta. Đối với một số người, chúng ta coi họ là những đối thủ, nhưng từ phía họ, họ lại hoàn toàn không nhìn thấy chúng ta theo cách đó. Một số khác có thể cảm thấy rằng họ là kẻ thù của ta nhưng hoàn toàn không có khả năng làm hại ta. Cũng có những người vào một lúc nào đó có vẻ như đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong một thời gian dài, lại có những điều họ làm có thể đem lại cho ta một nhận thức và cảm kích sâu sắc nào đó trong đời này, hoặc khiến ta chuyển tâm, hướng tâm về Pháp, và vì thế đem lại cho ta nhiều lợi lạc và hạnh phúc. Còn những người khác, nếu ta có thể khéo léo thích nghi với tánh khí của họ và khuyến dụ họ với lời lẽ dịu dàng cho tới khi chúng ta đạt được một vài thỏa thuận nào đó, thì ta có thể dễ dàng chuyển hoá họ thành bạn của ta.

Mặt khác, có những người mà chúng ta thường xem là thân thiết nhất với mình, chẳng hạn như con cái ta. Nhưng đã có những đứa con từng lừa gạt hay thậm chí giết cả cha mẹ chúng. Đôi khi con cái đứng về phe những người đang có tranh chấp với cha mẹ, hợp lực với họ để gây xung đột cho chính gia đình mình và cướp đoạt tài sản của cha mẹ. Ngay cả khi chúng ta sống thuận thảo với những người thân thiết với ta, những phiền muộn và rắc rối của họ cũng đem đến những ảnh hưởng không tốt đẹp đối với chúng ta, thậm chí còn ảnh hưởng ta mạnh mẽ hơn là những khó khăn của chính mình. Để giúp đỡ bạn bè, con cái và những người thân khác của ta, chúng ta tích lũy đầy rẫy những hành động bất thiện là những hành động sẽ đọa ta vào các tầng địa ngục trong đời sau. Khi ta thực sự muốn thực hành Pháp một cách đúng đắn thì họ lôi kéo chúng ta lại. Khi không thể thoát khỏi nỗi lo lắng về cha mẹ, con cái, và gia đình, chúng ta trì hỗn việc tu tập, thực hành Pháp, và vì thế không bao giờ tìm ra được thời gian để thực hành công phu tu tập này. Tóm lại, những người như vậy có thể làm hại ta thậm chí còn hơn cả những kẻ thù.

Hơn nữa, không có gì bảo đảm là những người chúng ta coi là đối thủ hôm nay lại không phải là con cái chúng ta trong những đời sau, hay bạn bè hiện tại sẽ không tái sinh làm kẻ thù của chúng ta trong kiếp tới, v.v… Chỉ vì trong một thoáng, ta chấp nhận rằng nhận thức của chúng ta về “kẻ thù” và “bạn bè” là thật có, nên ta tích tập nhiều hành động bất thiện qua lòng tham luyến và sân hận. Tại sao ta lại ôm chặt gánh nặng này để chúng lôi kéo ta, đọa ta xuống những cõi giới thấp?

Vì thế, hãy đi đến một quyết định mãnh liệt và hãy ý thức rằng tất cả chúng sinh bao la vô tận là cha mẹ và con cái của chính bạn. Như thế, hãy rèn luyện tâm ta giống như những bậc vĩ đại trong quá khứ đã làm, như ta đã có thể đọc thấy trong tiểu sử cuộc đời của các Ngài — hãy coi tất cả bằng hữu và kẻ thù đều tương tự như nhau.

Trước hết, đối với tất cả những người mà bạn hoàn toàn không ưa thích – những người khơi dậy lòng sân hận và thù ghét trong bạn – hãy rèn luyện tâm thức bạn bằng nhiều phương tiện khác nhau để lòng sân hận và thù ghét mà bạn cảm thấy đối với họ không còn xuất hiện. Hãy nghĩ về họ như thể bạn nghĩ về một người nào đó một cách chung chung, không làm điều tốt cho bạn mà cũng chẳng làm hại bạn. Sau đó hãy quán chiếu rằng vô số chúng sinh mà bạn cảm thấy chung chung về họ, từ vô thủy đã từng là cha, mẹ bạn một lúc nào đó trong những đời quá khứ. Hãy thiền định về đề mục này, rèn luyện bản thân cho tới khi bạn cảm thấy thương yêu họ, tương tự như bạn yêu thương cha mẹ hiện thời của bạn. Cuối cùng, hãy thiền định cho tới khi bạn cảm thấy có đuợc lòng từ bi vô phân biệt đối với tất cả chúng sinh – dù bạn coi họ là bạn bè, kẻ thù hay không thù không bạn – nhưng đây chính là bạn đang phát triển lòng bi mẫn đối với cha mẹ nhiều đời kiếp của chính bạn.

Bây giờ, nếu bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến mọi người, thù và bạn đều như nhau, trong lòng không có mảy may một cảm xúc đặc biệt nào, không cảm thấy từ bi, cũng không cảm thấy thù ghét hay cảm thấy bất cứ gì khác – nếu chỉ đơn thuần nghĩ như vậy thì tâm xả đó vẫn không thể nào thay thế được cho tâm xả vô lượng [mà chúng ta muốn phát khởi]. Loại tâm xả chung chung đó là thứ tâm xả không có chánh niệm, không gây ra điều ác nhưng cũng không đem lại lợi lạc. Hình ảnh được dùng để miêu tả một tâm xả chân chính vô lượng vô tận là hình ảnh một bữa tiệc do một hiền nhân vĩ đại chiêu đãi. Khi những đại hiền giả ngày xưa cúng dường những bữa tiệc, các Ngài sẽ mời tất cả mọi người, dù cao hay thấp, mạnh hay yếu, tốt hay xấu, đặc biệt hay bình thường, mà không có bất kỳ phân biệt nào. Tương tự như thế, thái độ của ta đối với tất cả chúng sinh khắp hư không phải là một cảm thức bao la của lòng từ bi, dung chứa tất cả một cách bình đẳng. Hãy rèn luyện tâm thức bạn cho tới khi bạn đạt tới một trạng thái của tâm xả vô lượng y như thế.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Nhóm Longchenpa

Hiệu đính: Viet Nalanda Foundation – 2008

Trích: Lời vàng của Thầy tôi – Ấn tống và phát hành tại Hoa Kỳ