Buddhist-Monks-1024x768

Đại nguyện phát bồ đề tâm vì lợi lạc chúng sinh

Bước tu kế tiếp là Đại Nguyện. Đó là lúc quý vị cảm thấy bản thân mình phải gánh lấy trách nhiệm phá sạch phiền não cho chúng sinh, mang về trọn nguồn hạnh phúc cho chúng sinh. Tinh thần trách nhiệm này tương tự như người con cảm thấy mình có trách nhiệm đối với người mẹ, đối với sự an vui của mẹ. Khi quý vị có được tinh thần trách nhiệm như vậy đối với tất cả chúng sinh, thấy chính mình sẽ làm nên việc này, thì như vậy là quý vị đã phát Đại Nguyện. Gọi là Đại, vì tâm nguyện này lớn lao rộng rãi phi thường, quá hơn tâm nguyện của các bậc Thanh Văn Duyên Giác trong tiểu thừa.

Đại Nguyện này cũng tương tự như khi chứng kiến có người sắp rơi xuống hố thẳm, tự nhiên cảm thấy có trách nhiệm phải cứu người ấy. Tương tự như vậy, quý vị cảm thấy có trách nhiệm phải phá tan khổ não, và mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh, đó chính là Đại Nguyện. Tâm nguyện phi thường này còn được gọi là “thái độ phi thường”, là “trách nhiệm đối với tất cả”.

Tâm Bồ Đề

Bước tiếp theo là phát Tâm Bồ Đề, còn gọi là “phát Tâm”. Tâm này phải khởi khi chúng ta biết suy nghĩ như sau: “tôi đâu có khả năng gì, làm sao có thể giúp chúng sinh thoát khổ đau đạt hạnh phúc đây? Nói cho ngay như tôi thì đừng nói tới toàn thể chúng sinh, dù chỉ một người tôi cũng không đủ khả năng giúp. Thử xét lại xem ai là người có khả năng làm được việc này? Chỉ có Phật. Chỉ có Phật mới đủ khả năng, đại thần thông, đại trí tuệ, nhờ khả năng mang lợi ích đến cho chúng sinh một cách rất tự nhiên.” Ngang đây, quý vị phải quán về tánh đức của Phật, là chốn quy y chân chính, theo như pháp tu Lam – rim dành cho bậc sơ căn có dạy.

Cứ như vậy mà phát chí nguyện thành tựu mọi tánh đức của Phật vì chúng sinh. Đó chính là phát Tâm Bồ Đề, là ý nghĩ: “tôi nhất định phải thành tựu vô thượng Bồ Đề để có khả năng mang lợi ích đến cho chúng sinh.” Chí nguyện thành Phật này không chỉ đơn thuần là buông bỏ những gì cần buông bỏ để thành tựu mục tiêu rốt ráo cho riêng mình. Trong những bước tu trước, quý vị đã vì chúng sinh mà khởi Tâm Đại Từ và Tâm Đại Bi, vậy ở đây quý vị vì chúng sinh mà phát tâm nguyện muốn thành Phật.

Quý vị cũng cần xét kỹ: “thật ra tôi có khả năng thành Phật hay không?” Đương nhiên là có, quý vị nhất định đang đứng ở một vị trí rất thuận tiện để tu thành Phật. Nói cho thật chính xác, không nơi nào thuận tiện hơn chỗ đứng hiện tại của quý vị: quý vị có được kiếp tái sinh làm người rất quý giá, lại được bậc đạo sư tuyệt hảo cùng với đường tu Đại Thừa. Như vậy có nghĩ là quý vị hiện tại đang ở trong hoàn cảnh thuận tiện nhất để có thể vì chúng sinh mà tu thành Phật.

Hơn nữa quý vị lại gặp được giáo pháp tuyệt hảo của thầy Tông Khách Ba. Nhiều hành giả trong quá khứ có được thân người quý giá, nhờ nương vào giáo pháp phi thường này mà thành tựu được quả vị Phật ngay trong kiếp hiện tai. Lại có nhiều đại hành giả, như bậc toàn giác Gyalwa Ensapa, có thể thành Phật trong thời gian ngắn hơn nữa – mười hai năm, hay ba mươi năm, Những bậc hành giả này đều có được hoàn cảnh thuận tiện mà quý vị đang có – được tái sinh làm người và những sự thuận tiện khác. Vì vậy là quý vị phải tự tin là mình có đủ mọi điều kiện thuận tiện để thành Phật.

Tâm Bồ Đề có dụng công là loại Tâm Bồ Đề dấy lên nhờ sự cố gắng. Tây Tạng gọi tâm này là “lớp vỏ ngoài của cây mía”. Tâm Bồ Đề được gọi là “không dụng công” khi chí nguyện thành Phật vì chúng sinh luôn dấy lên một cách rất tự nhiên mỗi khi gặp chúng sinh khác, bất kể là ai. Có được Tâm Bồ Đề không dụng công là dấu hiệu cho biết mình đã phát Tâm Bồ Đề. Và phát Tâm Bồ Đề rồi là “đứa con của Đấng Thế Tôn”.

Đến đây là hết bài giảng về phương pháp phát Tâm Bồ Đề qua Bảy Điểm Nhân Quả.

Ribur Rinpoche
Việt dịch: Hồng Như