maxresdefault (1)

Xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả

Đoạn kệ 2: Xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả

Bất cứ khi nào con tiếp xúc với người khác,
Nguyện cầu con xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả,
Và từ sâu thẳm trái tim,
Nguyện con nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân,
Và kính trọng họ là tối thượng.

[Đoạn kệ nghĩa là:] Dù con ở đâu và tiếp xúc với ai, con sẽ xem bản thân là thấp kém nhất trong tất cả và luôn khiêm nhường trước họ. Từ sâu thẳm trái tim, con sẽ liên tục suy nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân. Nhờ liên tục xem tha nhân là cao hơn và đối xử với họ bằng sự kính trọng và tôn kính, con sẽ điều phục sự kiêu mạn và cao ngạo của bản thân và giữ họ cao hơn mình.

Trong Bình Giảng Về Năm Mươi Đoạn Kệ Về Sùng Mộ Đạo Sư của Tổ Je Tsongkhapa, có một dòng trong đoạn kệ đỉnh lễ nói rằng, “Liên tục ở trên tất cả, nhưng cũng là đầy tớ của hữu tình chúng sinh”. Điều này nghĩa là một lời tán thán Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Mặc dù Ngài là thầy của tất cả chư Phật và là tối thắng trong tất cả hữu tình chúng sinh, Bồ Tát Văn Thù vẫn phụng sự tất cả chúng sinh như là đầy tớ. Và đây cũng là hành động của tất cả chư Phật, Bồ Tát và chư đạo sư tâm linh vĩ đại, người mà, mặc dù sở hữu công đức và thiện hạnh xuất thế gian, vẫn phụng sự thế giới như là kẻ tôi tớ. Giống như Đấng Toàn Tri Drime Ozer (Đức Longchenpa) nói trong bộ luận của Ngài với tựa đề An Trú Trong Chân Tính Về Đại Viên Mãn, “Sự giác ngộ của bậc thầy vượt xa chúng sinh bình phàm. Dù vậy, Ngài vẫn phụng sự thế gian và tiến hành các hoạt động từ ái vì lợi lạc của hữu tình chúng sinh. Là hành giả Pháp, chúng ta cần noi theo tấm gương tuyệt vời này”.

Đoạn kệ này chủ yếu dạy rằng chúng ta cần quán sát bản tính tâm và chắc chắn rằng nó sẽ không làm khởi lên những cảm xúc của sự cao ngạo hay kiêu mạn với bất cứ hữu tình chúng sinh nào. Tây Tạng có một ngạn ngữ như sau: “Đỉnh núi kiêu ngạo không thể giữ được dòng suối công đức”. Vì thế, mọi người, dù họ vốn đã có đầy đủ công đức thù thắng, phải thoát khỏi sự ngạo mạn hay kiêu ngạo, và liên tục giữ trong tâm thức mong ước kính trọng và làm lợi tha nhân. Chỉ khi chúng ta nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân một cách nhất tâm, chúng ta mới có thể xem hữu tình chúng sinh là viên ngọc như ý và kính trọng họ là vô cùng quý báu, theo cách mà chúng ta làm với chư Phật, Bồ Tát và chư đạo sư từ ái vô biên. Ví dụ, đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là: “Nếu địa ngục chưa hết chúng sinh khổ đau, con nguyện chưa đạt Phật quả; và hơn thế, chỉ khi hữu tình chúng sinh cuối cùng được biến chuyển và cứu giúp, con mới thành tựu quả Bồ đề”. Nếu Bồ Tát Địa Tạng không thấy hữu tình chúng sinh là tối thắng và cao quý hơn chính Ngài, Ngài sẽ không bao giờ có thể phát khởi đại nguyện như vậy. Nếu Ngài đặt bản thân cao hơn người khác và hành xử như một hoàng đế, làm sao Ngài có thể chứng ngộ sự thành tựu viên mãn của đại nguyện sâu sắc như vậy? Trong hành động hàng ngày của chúng ta và trong sự tương tác qua lại với người khác, một mặt, chúng ta cần phát khởi Bồ đề tâm vĩ đại với hữu tình chúng sinh và mặt khác, thấy bản thân là thấp kém nhất trong tất cả, và thực sự suy nghĩ về việc làm lợi lạc tha nhân từ sâu thẳm trái tim. Đức Atisha, trong suốt cuộc đời, ban ba chỉ dẫn cốt tủy vĩ đại. Đầu tiên, quán sát tâm thức liên tục; thứ hai, điều phục tâm thức bằng sự chú tâm và cảnh giác; thứ ba, bằng cách liên tục làm vậy, phát khởi Bồ đề tâm trong dòng tâm thức.

Ba Mươi Bảy Pháp Hành Bồ Tát Đạo của Thogme Rinpoche nói rằng:

“Nói ngắn gọn, bất cứ điều gì con đang làm,
Hãy tự hỏi bản thân, ‘Trạng thái của tâm thức là gì?’
Với sự tỉnh thức và cảnh giác liên tục,
Thành tựu lợi ích tha nhân.
Đó là thực hành của một vị Bồ Tát”.

Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng, ý định của Đức Atisha và Thogme Rinpoche hoàn toàn giống nhau.

Đức Khenpo Sodargye Rinpoche

Đoạn kệ do Đức Geshe Langri Tangpa soạn

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối. Mọi công đức có được xin hồi hướng tất cả hữu tình chúng sinh, nguyện sớm đạt thành Phật quả.