Tulku Thondup visiting with Tulku Jigmed Phuntshog and Ta-re Lha-mo, a famous woman teacher and Ter-ton. Tulku Jigmed Phutshog is Tulku Thondup's cousin. July 26 1984.

Sự phân biệt

Sự bám chấp tinh thần này được đi theo bằng những tư duy phân biệt – nghĩ rằng cái bàn này là tệ, xấu, v.v…

Một khi chúng ta dán nhãn đối tượng, mọi loại cảm xúc (Tạng, Nyon Mongs, Phạn, klesha – phiền não), như khao khát hay thù ghét nảy sinh. Chúng ta nghĩ, “Tôi phải có cái bàn tuyệt đẹp này,” hoặc “Tôi ghét có cái bàn này, nó thật xấu xí.” Tư tưởng và cảm nhận bám luyến hay thèm khát sự vật của chúng ta đã phác thảo là đẹp và sự ghét bỏ là xấu vì cảm xúc. Cảm xúc làm phát triển và mạnh mẽ khái niệm nhị nguyên, chấp ngã, và suy nghĩ phân biệt của chúng ta.

Chúng ta càng quay tròn trong chu trình của tâm khái niệm, sự trở thành những khuôn mẫu suy nghĩ nhị nguyên càng mạnh hơn, trói chặt hơn sự chấp ngã, càng suy nghĩ phân biệt rộng khắp hơn, và càng choáng ngợp những cảm xúc. Kết quả là đau khổ và kích động, làm cuộc sống thế gian thăng trầm. Bánh xe của cuộc sống trần tục này sau đó có chuyển động riêng nó, xoay chuyển không gián đoạn. Và đây là nơi chúng ta ở ngày nay. Tất cả người bình thường chúng ta đều trong chu trình của tâm khái niệm này với những suy nghĩ nhị nguyên, tâm phân biệt, cảm xúc tranh đua, đau khổ và khích động. Cuộc sống chúng ta là vậy.

Trong quyển Năng Lực Chữa Lành của Tâm sắp xuất bản của tôi, có một câu chuyện minh họa điều này. Khi tôi còn bé, khoảng sáu hay bảy tuổi, chúng tôi đi chơi và ăn ngoài trời. Vì khó có dịp ra ngoài tu viện, nên lần ra ngoài này là một cơ hội rất hiếm có. Chúng tôi đi trong vài ngày đến một số cánh đồng xanh tươi rộng rãi rất đẹp ở Tây Tạng. Ở giữa các ngọn núi cao, có một cánh đồng xanh trải rộng. Toàn bộ cánh đồng được che phủ bằng những bông hoa nhiều màu sắc. Tôi chạy quanh đây đó bằng chân trần, hưởng thụ sự tiếp xúc với cỏ xanh, cái thấy và không khí tốt lành.

Đột nhiên một cơn đau nhói xuyên qua chân. Tôi ngã xuống đất và toàn thân co lại vì đau. Dường như toàn bộ thế gian đều trở thành sự đau đớn. Tôi không biết điều gì xảy ra. Cuối cùng một người lớn đến kiểm tra và mở rộng các ngón chân tôi, bắt được một con ong. Khi con ong bắt đầu chích, các ngón chân tôi co chặt lại. Chân tôi càng co chặt, con ong càng chích, và càng bị chích ngón chân tôi càng co chặt, liên miên như thế. Nhưng ngay khi ngón chân tôi mở ra, con ong được tự do, sự đau đớn, tối thiểu là cơn đau đang hành hạ được giảm xuống.

Tương tự như vậy, theo Phật giáo, nó là sự bám chấp vào bản ngã, có nghĩa tâm thức bám chấp vào cái tôi, là tôi, của tôi, cái bàn, bạn, kẻ thù của tôi, v.v… như những thực thể có thật, đó là gốc rễ của đau khổ. Khi tâm chúng ta càng bị chật hẹp hơn, chúng ta càng cảm thấy đau khổ hay kích động gia tăng. Nhưng khi tâm chúng ta được buông lỏng và dịu đi, thì chúng ta càng trở nên an bình, yên tĩnh và trong sáng. Và do vậy, như chúng ta nói trước đây, tâm là chìa khóa, là điều quan trọng nhất để cải thiện, chữa lành, và giải thoát.

Dù chúng ta là Phật hay người thường, hình tướng đều xuất hiện trước chúng ta. Tuy nhiên, một vị Phật có thể thấy mọi sự cùng lúc không bị giới hạn, trong khi cái thấy của một người bình thường bị giới hạn, méo mó và tập trung trên một việc vào một lúc. Một vị Phật thấy cái được gọi là hai trí tuệ: trí tuệ của cái thấy hình tướng như chúng là, và như chúng xuất hiện. Trái lại, nhận thức của người thường là giới hạn, cứng nhắc và lừa dối. Gốc rễ sự khác biệt giữa một vị Phật và chúng ta nằm trong cách chúng ta nhận thức sự vật – dù hình tướng, âm thanh, cảm nhận, hay ý niệm. Hễ khi nào thấy bất cứ thứ gì chúng ta đều chấp vào nó như thể nó có một bản ngã, một thực thể thực sự hiện hữu. Do làm như vậy, chúng ta bắt đầu phân chia “cái tôi” như chủ thể và hình tướng “sự vật” như đối tượng. Điều này dẫn đến khái niệm tri thức phân biệt sự vật là tốt hay xấu. Điều này lần lượt làm phát triển cảm xúc phiền não nung nấu, ngọn lửa của cái được gọi là kinh nghiệm của đau khổ và kích động.

Một vị Phật thấy mọi sự cùng lúc, hoàn toàn nhất như và rộng mở, không bám chấp vào tự thân của hiện tượng xuất hiện. Do vậy, không có sự phân biệt thành chủ thể và đối tượng, không có tâm phân biệt, không cảm xúc phiền não, và không kinh nghiệm đau khổ hay kích động.

Điểm mà chúng ta rơi vào samsara hoặc được giải thoát vào trạng thái giác ngộ là khi chúng ta bám chấp hoặc không chấp vào hiện tượng xuất hiện như thể chúng có một bản ngã. Điểm này giống như công tắc điện mở hay đóng. Nó là nguồn gốc và nguyên nhân của mọi đau khổ. Như Đức Shantideva đã nói:

Mọi sự quá khích, sợ hãi, và đau khổ
Hiện hữu trong thế gian
Đều xuất phát từ chấp ngã.
Do vậy chúng ta sử dụng con quỷ đáng kinh sợ này làm gì?
Nếu không buông bỏ bản ngã,
Chúng ta sẽ không thể chấm dứt đau khổ.
Giống như nếu không buông lửa khỏi tay,
Thì không thể tránh khỏi việc bị phỏng.

Thế nên, mục tiêu chính của rèn luyện thiền định là nhận ra và hoàn thiện sự nhận biết của Phật tánh, thoát khỏi những che chướng tri thức bắt nguồn từ việc chấp ngã và những che ám cảm xúc của tham, sân, và si. Sự nhận biết này sẽ chỉ đến qua các phương pháp làm giảm và tẩy sạch cảm xúc phiền não và khái niệm tri thức nhị nguyên qua tu hành thiền định và hành động công đức, như của lòng bi.

Mục tiêu tối hậu của thiền định là giải thoát khỏi chấp bám vào hình tướng, nhưng không phải ngăn chận chính bản thân hình tướng. Như vị tổ vĩ đại Tilopa của Ấn Độ thời xưa đã nói:

Này con trai, hình tướng không phải là vấn đề, mà sự bám chấp vào nó mới là vấn đề.
Này Naropa hãy cắt đứt sự chấp bám.

Mục đích của thiền định không chỉ là giữ cho không có cảm xúc và niệm tưởng, mà là nhận ra thật tánh, Phật tâm, là hoàn toàn giải thoát khỏi chấp ngã và thành tựu hoàn toàn của an bình tối hậu, rộng mở, nhất như, và toàn giác.

Có lần, Saraha, một vị tổ vĩ đại nhất của Phật giáo Ấn Độ thời xưa đang theo đuổi rèn luyện mật tông với phối ngẫu của Ngài trong nơi cô tịch. Một ngày nọ, Ngài yêu cầu vị phối ngẫu làm một dĩa củ cải. Tuy nhiên khi vị phối ngẫu đến để phục vụ, Ngài đã nhập định và trụ trong đó mười hai năm. Cuối cùng, khi xuất định Ngài lập tức hỏi vị phối ngẫu, “Dĩa củ cải của ta đâu?”. Một lúc sau, Saraha nói với vị phối ngẫu rằng Ngài muốn đi vào núi để thiền định. Vị phối ngẫu từ chối dứt khoát, “Cô lập thân thể không phải là sự cô đơn thực sự. Sự cô đơn tối thượng là giải thoát khỏi (bám chấp) vào các đặc tính (hay những đối tượng hình ảnh) và các khái niệm tinh thần.” Bà nhận xét, “Mặc dù Ngài nhập định mười hai năm, Ngài vẫn không thể cắt đứt đặc tính vi tế của dĩa củ cải khỏi tâm Ngài. Vậy đi vào núi có ích gì?” nghe theo nhận xét minh bạch này, Saraha thiền định không chỉ về sự vắng bặt khái niệm, mà còn về sự nhận biết của chân lý tuyệt đối (gNyug Ma’i Don), và cả hai đều trở thành các vị tổ vĩ đại.

Tulku Thondup Rinpoche

Harold Talbort biên soạn

Việt Dịch: Tuệ Pháp

Trích Tác phẩm: Hành Trình Giác Ngộ – Tu tập Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Nhà xuất bản Tôn Giáo