Guru_Rinpoche

Sự chuẩn bị cho Bardo – Các giai đoạn của cận tử và sau khi chết

Buổi nói chuyện tại Điện Maha Siddha Nyingmapa, Hawley, Mass., vào ngày 22 tháng 3 năm 1992. Chương này dựa căn bản trên DM, NS (192a/ 1 – 195b/ 3 & 387b/ 3 – 396/ 3), TRD (quyển Vam, 200a/ 4 – 264b/ 6), GC, BN, KZM, và PM.

Các giai đoạn của cận tử và sau khi chết

Bardo trong tiếng Tây Tạng có nghĩa “trạng thái trung gian” hay “giai đoạn chuyển tiếp”. Trong ngữ cảnh của giáo lý về bardo, nó biểu thị chủ yếu giữa giai đoạn của cuộc sống này và cuộc sống kế tiếp. Theo Phật giáo, sau khi bạn chết sẽ có một bardo, một giai đoạn chuyển tiếp, và sau đó bạn sẽ nhận tái sanh trong một kiếp sống khác. Với cuộc sống hiện tại bạn có nhiều quan niệm đúng và sai và thông tin về cuộc sống bạn như thế nào và bạn đang kinh nghiệm gì. Nhưng bạn không có ý niệm và rất ít quan tâm trong sự cận tử và những những kiếp sống tương lai của bạn. Tuy nhiên, bạn chỉ còn ở đây vài ngày, vài tháng, hay vài năm, và sau đó bạn sẽ ở trong bardo và những kiếp tương lai mãi mãi. Vào lúc này điều quan trọng nhất mà bạn làm là học cách bạn sẽ du hành qua bardo đến các kiếp tương lai ra sao, và nhất là có thể chuyển hóa cuộc sống này thành hạnh phúc và trí tuệ trường cửu cho chính bạn và người khác.

Trước khi đi vào việc tóm lược về bardo, tôi muốn tạo một số điểm rõ ràng. Trước tiên, trong kinh điển Phật giáo Tây Tạng có nhiều định nghĩa chi tiết và phân loại bardo, nhưng không nhất thiết rằng mọi người sẽ kinh nghiệm tiến trình lộ ra trong bardo một cách giống nhau. Sau khi sinh vài năm, một đứa bé phương Tây đi học, vào đại học, sau đó làm việc rồi lập gia đình, và kết thúc với việc về hưu. Nhưng không phải mọi người đều đi qua tiến trình sống giống nhau này. Sự mô tả trong những trang sau đây chỉ đại diện cho những kinh nghiệm của nhiều người tốt trung bình, phần lớn họ đều trải qua một cái chết tự nhiên.

Thứ hai, trong những kinh điển của đạo Phật Tây Tạng, bardo được phân loại thành sáu bardo riêng biệt, 20 và trong các bản văn khác là bốn. Ở đây chúng ta sẽ lần lượt nói về hệ thống bốn bardo.

Thứ ba, mặc dù bardo thực tế là trạng thái giữa hai kiếp sống, giữa đời này và đời kế tiếp, kinh điển cũng xem tự thân cuộc sống hiện nay của chúng ta là một bardo. Vì trong lúc bardo hiện hữu giữa hai kiếp sống, nó như huyễn trong bản tánh và lang thang không có một thân chắc chắn và nơi cố định để trụ – cũng là những đặc tính để ứng dụng với cuộc sống này bằng nhiều cách.

Bạn có thể nghĩ, “Tôi vậy đó, sống trong nhà với gia đình tôi,” nhưng trong thực tế bạn đang tiêu xài một số thời gian trong thân thể như nhà trọ này của bạn, ở một nơi như bong bóng, bạn tụ họp với gia đình và bạn bè, giống như đi du lịch theo mùa, vì nghiệp lực đem bạn cùng người thân giống như những chiếc lá khô tụ lại trong một góc bởi gió mùa thu. Song, chẳng mấy chốc bạn sẽ khởi hành đến những phương khác nhau và sẽ không bao giờ trở lại với nhau, thậm chí với ngay cả thân thể yêu quý của chính bạn. Do vậy, cuộc sống hiện tại của bạn hơi giống một bardo, một trạng thái như mộng, và đó là điều tại sao kinh điển đã phân loại nó như một bardo.

Cuối cùng, nếu nhận ra thật tánh của tâm và hình tướng trong bất kỳ bốn bardo nào, bạn sẽ không đi vào giai đoạn kế tiếp của bardo, vì bạn sẽ nhanh chóng giải thoát và đạt được Phật tánh.

Bốn bardo là bardo của cuộc sống, nghĩa là cuộc sống hiện tại của chúng ta, bardo cận tử, bardo của bản tánh tối hậu, và bardo của sự trở thành.

Tulku Thondup Rinpoche

Harold Talbort biên soạn

Việt Dịch: Tuệ Pháp

Trích Tác phẩm: Hành Trình Giác Ngộ – Tu tập Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày, Nhà xuất bản Tôn Giáo