GK38-Vinapa

Vinapa – Nhạc sĩ

Từ thuở hoang sơ khi chưa có sự bắt đầu
Những cái rễ của cây vô danh
Được vun tưới bằng những cơn mưa
Của thói quen vọng tưởng
Chúng lớn mạnh thành những nhánh vô minh
Hôm nay ta đốn cây vô minh ấy
Bằng chiếc rìu giáo pháp của chân sư
Bạn ơi! Hãy nghĩ suy, cân nhắc mà tu tập

Truyền thuyết

Vinapa vốn là hoàng tử con vua xứ Gauda. Đạo sư của ngài là Buddhapa. Là con duy nhất, nên Vinapa rất được cha mẹ cưng chiều. Thuở nhỏ, Vinapa đã tỏ ra say mê âm nhạc và rất có năng khiếu về bộ môn nghệ thuật này. Ngài chơi đàn vina rất thành thạo và đam mê đến nỗi không còn quan tâm đến việc học hành.

Triều đình cùng hoàng tộc lấy làm lo lắng cho cơ đồ của giang sơn xã tắc, vì Vinapa là người sẽ kế vị ngai vàng. Ngài cần phải học cách cai trị thần dân hơn là trở nên một nhạc sĩ.

Để giải quyết chuyện này, nhà vua mời đạo sư Buddhapa pháp thuật cao cường, tài trí vô song đến để chữa trị chứng say mê âm nhạc của hoàng tử.

Quả nhiên, phong cách và đạo hạnh của vị thánh tăng này làm cho hoàng tử có phần lung lạc. Sau một thời gian gần gũi, tiếp xúc với hoàng tử, đại sư thấy đã đến lúc hoá độ cho Vinapa, bèn gợi ý về chuyện tu tập. Hoàng tử đáp: “Thầy nói rất đúng. Nhưng đối với ta, âm nhạc là thiền định. Vả lại ta rất bận học chơi đàn vina, ta lại còn mê âm thanh của đàn tambura nữa. Nếu thiền định của nhà Phật vi diệu thì cần gì buộc ta phải từ bỏ âm nhạc?”

Đại sư nói: “Ta sẽ dạy con thiền định bằng âm nhạc. Con không cần phải từ bỏ âm nhạc mà sẽ dùng âm nhạc như một phương tiện để để thiền định.”

Hoàng tử nghe thế liền hoan hỷ nhận lời.

Sư bèn điểm đạo và khai tâm cho hoàng tử. Ngài dạy cho hoàng tử cách chú tâm vào tiếng đàn. Dừng lại tất cả sự can thiệp của tâm tưởng vào âm thanh. Chấm dứt tạp niệm để chú tâm thưởng thức âm thanh thanh tịnh.

Hoàng tử tuân theo giáo pháp, tu luyện trong 9 năm thì dứt được vô minh, tâm trí trở nên thanh tịnh. Ánh sáng bùng lên trong tâm ngài như một ngọn đèn. Chính lúc ấy hoàng tử đắc Đại thủ ấn và các thần thông tự nhiên hiển lộ.

Hành trì

Vina là một loại nhạc cụ có 7 dây, thùng đàn làm bằng quả bầu khô, phía cuối cần đàn lại gắn một quả bầu thứ hai để khảy lên âm thanh phát ra lớn và vang lâu. Còn tambura là nhạc cụ có 4 dây dùng để đàn đệm theo đàn vina. Trong cổ nhạc Ấn Độ, người ta quan niệm rằng âm thanh trầm bổng của đàn tambura chính là âm thanh của vũ trụ. Đó là âm om. Tiếng đàn vina là giọng âm và tiếng đàn tambura là giọng dương.

Sự kết hợp âm thanh của hai nhạc cụ này hàm chứa tất cả âm thanh trong vũ trụ.

Tất cả âm thanh của vũ trụ hợp lại thành âm sabda, tức âm chỏi với âm nada được phát ra từ thanh quản. Ở Tây Tạng không có sự phân biệt như thế, vì âm sgra trong Tạng ngữ bao hàm cả hai nguyên lý này.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo