dzambala 2

Bố thí ba la mật

Kẻ mong cầu giác ngộ, khi cần có thể bố thí cả thân mạng của mình, huống hồ chỉ là những thứ vật chất bên ngoài? Hãy bố thí mà không mong cầu đền đáp. Đó là pháp tu Bồ Tát.

Bố thí là sự hiển bày tự nhiên của tâm vị tha của Bồ Tát, thoát khỏi mọi tham luyến. Một vị Bồ Tát nhận thức rõ ràng về khổ đau gây ra bởi việc tích lũy tài sản, và việc cố gắng bảo vệ và làm chúng tăng lên. Nếu ngài có bất cứ tài sản nào, ý nghĩ đầu tiên sẽ là cho đi tất cả, sử dụng chúng để cúng dường lên Tam Bảo và hỗ trợ những người đói kém hay không có thức ăn và nơi cư ngụ. Như người ta thường nói:

Bố thí là viên ngọc hoàn thành mọi ước nguyện

Và thanh gươm quý cắt đứt sự keo kiệt.

Và Luật điển cũng nói:

Người không bao giờ bố thí sẽ không giàu có,

Anh ta thậm chí cũng không thể thu hút mọi người –

Chứ đừng nói gì là giác ngộ.

Nếu bạn thực sự hào phóng, bạn sẽ thoát khỏi mọi khó khăn và đạt được bất cứ sự giàu có nào bạn cần để thực hiện các hành động vị tha cho đến ngày giác ngộ.

Vua Tây Tạng, ngài Trisong Detsen là ví dụ đẹp về một vị Bồ Tát, người đã trở thành kẻ cai trị. Ngài sử dụng tài sản lớn lao để thỉnh mời Guru Rinpoche, Đại Tu viện trưởng Shantarakshita, Đại học giả Vimalamitra, và một trăm lẻ tám học giả Ấn Độ đến Tây Tạng. Chính nhờ sự bảo trợ của ngài mà các giáo lý của cả Kinh điển và Mật điển đầu tiên được đào tạo. Sự bố thí rộng lớn của ngài làm Pháp phát triển, và hạnh phúc vô lượng đã đến với Xứ Tuyết. Sau đó, trong thời đại của các vị vua khác, các căn phòng chứa kho tàng bị khóa lại và đặt dưới sự canh gác cẩn mật, và cả giáo Pháp lẫn sự thịnh vượng của người Tạng đều suy giảm.

Những người hào phóng có thể không cố gắng để giàu có, nhưng kết quả tự nhiên của công đức đó mang nhiều tài sản hơn đến với họ trong tương lai. Những người bị trói buộc trong sự keo kiệt, ngược lại, sẽ tái sinh trong cõi giới của quỷ đói, nơi mà thậm chí từ thức ăn và nước uống cũng không được nghe thấy.

Đừng bao giờ hy vọng điều gì đáp lại hành động bố thí của bạn, và đừng trông chờ một kết quả là trong đời tương lai, bạn sẽ được đối xử tốt hay hạnh phúc và giàu có. Bố thí tự nó đã trọn vẹn; không cần thiết cho một phần thưởng nào khác hơn ngoài việc khiến người khác hạnh phúc. Nếu bạn cho đi một vài thứ vì sở thích cá nhân, niềm vui bạn cảm thấy sẽ bị hỏng, và hơn thế bất hạnh chắc chắn sẽ theo sau. Nhưng cho đi với lòng sùng mộ, tình yêu thương hay từ bi chân thành sẽ mang đến bạn cảm xúc hạnh phúc lớn lao, và món quà của bạn sẽ chỉ tạo ra thêm hạnh phúc. Động cơ đằng sau hành động bố thí tạo ra sự khác biệt.

Nhận ra mọi tài sản giống như giấc mộng hay màn ảo thuật, hãy cho chúng đi như những món quà hay đồ từ thiện mà không giữ lại. Nhờ sự hào phóng, bạn sẽ hoàn thiện sự tích lũy công đức, điều cuối cùng dẫn đến sự chứng đắc các tướng tốt lành chính và phụ của một vị Phật. Hãy đảm bảo rằng sự bố thí của bạn luôn thấm nhuần thái độ giác ngộ của Bồ đề tâm, điều làm cho nó trở nên thực sự ý nghĩa bằng cách biến nó thành nguyên nhân không nhầm lẫn của Phật quả.

Có ba kiểu bố thí. Đầu tiên là bố thí vật chất. Một vị Bồ Tát sẽ cho đi mà không tích trữ hay hối tiếc. Nếu sự cho đi đó được thực hiện với ý định thanh tịnh, kích thước của nó không quan trọng.

Kiểu thứ hai là cứu sinh mạng và cung cấp chúng sinh sự bảo vệ khỏi sợ hãi. Hãy noi theo tấm gương của chư Đại Bồ Tát như ngài Patrul Rinpoche và ngài Shabkar Tsogdruk Rangdrol[1], những bậc đã cứu sống hàng nghìn con vật nuôi khỏi lò mổ bằng cách mua và thả chúng, thuyết phục mọi người từ bỏ việc săn bắn và đánh bắt, đạt được lòng nhân từ với những tù nhân lãnh án tử hình, và làm an dịu các mối hận thù đẫm máu.

Kiểu thứ ba là bố thí Pháp. Một vị Bồ Tát nên làm mọi điều có thể để Pháp âm vang dội ở những nơi chưa từng được nghe. Ngài có thể mang Pháp đến với mọi người theo cách mà họ có thể đưa chúng vào thực hành và hành xử hòa hợp với giáo Pháp. Đây là điều làm cho các hoạt động của chư Phật phát triển.

Một người đàn ông keo kiệt từng đến gặp Đức Phật để thình cầu lời khuyên. Ông hoàn toàn không thể cho đi thứ gì. Đức Phật bảo ông bắt đầu tu tập bản thân bằng cách đưa những vật nhỏ bé bằng tay phải sang tay trái của ông. Khi người đàn ông quen dần với ý tưởng cho đi như vậy, Đức Phật khuyến khích ông ta tặng những vật nhỏ bé cho các thành viên trong gia đình, và sau đó là những người bạn, cuối cùng là những kẻ thù. Kết quả là, người đàn ông đó có thể bố thí cho mọi người mà ông gặp bất cứ điều gì ông có với niềm vui lớn lao. Thông qua sự quen thuộc dần dần, các mục tiêu vĩ đại có thể dễ dàng đạt được.

Bản chất của bố thí là không tham luyến. Bố thí siêu việt là sự bố thí mà thoát khỏi ba quan niệm hạn chế, ví dụ sự bám chấp vào việc có bất kỳ một sự thực nào của người cho, người nhận và hành động cho. Thoát khỏi những quan niệm như vậy chính là một Ba La mật, trong trường hợp này là bố thí, trở thành nguyên nhân của giác ngộ.

[1] Shabkar Tsogdruk Rangdrol 1771 – 1851, là một Lama của Amdo Rekong, nổi tiếng vì lòng từ bi vĩ đại của ngài. Bất cứ nơi nào ngài đến, trên khắp Tây Tạng và Nepal, ngãi cũng mua rất nhiều vật nuôi và thả chúng đi; ngài thuyết phục rất nhiều người địa phương từ bỏ việc săn bắn và giảm việt sát sinh. Chính ngài đã thề từ bỏ việc ăn thịt (điều rất lạ với những người Tạng) trước tượng Jowo Rinpoche ở Lhasa. Khi ngài nhập thất nơi hoang dã, ngài đã bảo vệ các con chim nước nhỏ bé khỏi lũ chim lớn hơn, ngăn các loài côn trùng khỏi ăn lẫn nhau, và làm nhiều hành động thiện lành khác. Trong rất nhiều dịp, ngài làm an dịu các hận thù khát máu giữa các bộ tộc ở Amdo. (xem cuốn Cuộc đời ngài Shabkar để hiểu thêm). Ngài Patrul Rinpoche cũng làm tương tự ở miền Đông Golog, nơi ngài cứu vô số con người và súc vật.

Tác giả: Kyabje Dilgo Khyentse Rinpoche

Nguyên tác: Trái Tim Từ Bi