His Holiness Penor Rinpoche and Jetsuma Ahkon Lhamo at KPC in Poolsville, Maryland, 27 August, 2006. 
@Mannie Garcia

Khảo sát vị Thầy chân chính

Những giáo lý mà chúng ta biết là Phật giáo được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy trước tiên. Những giáo lý này đã được hộ trì nhờ một dòng truyền dạy sống động cho tới ngày nay bởi những người được hứng khởi để đi theo gương mẫu của Đức Phật và nghiên cứu con đường đó và truyền dạy nó cho những người khác. Trong bất kỳ truyền thống Phật Giáo khác nhau nào chúng ta cũng nhận ra rằng có vô số người nhờ nghiên cứu và thiền định mà trở nên vô cùng uyên bác, có năng lực và chứng ngộ tâm linh. Nhưng lý do tại sao các ngài giảng dạy và lý do vì sao những cá nhân này cam kết để trở nên uyên bác trong lĩnh vực Giáo Pháp thì không nên để cho mình chìm ngập trong việc tự thổi phồng mình lên. Ta không trở nên uyên bác về Pháp để tự cho rằng bản thân ta uyên bác và để đạt được một địa vị đặc biệt nào đó. Ta cũng không giảng dạy người khác từ một cảm thức tự phụ có tính cách cá nhân. Pháp được hộ trì bởi nó mang lại những lợi ích cho những người lắng nghe giáo lý. Đó là động lực đằng sau việc giảng dạy.

Để trở thành một vị Thầy đích thực của truyền thống thì sẽ không đủ nếu chỉ đọc sách vừa đủ để trở nên thật tinh thông giáo lý và sau đó tự coi mình như một vị Thầy. Đúng hơn, ta phải được vị Thầy của ta, một người chứng ngộ một cách đặc biệtcho phép giảng dạy. Cũng có thể có trường hợp ta được ban cho một thị kiến về Bổn tôn chọn lựa của ta, trong kinh nghiệm đó Bổn tôn sẽ ban cho ta sự ban phước và thẩm quyền để giảng dạy.

Như vậy vấn đề không chỉ đơn giản là việc một người bình thường phát điển đầy đủ sự thông minh tài giỏi để có thể nói thật hay về Pháp. Lợi ích thật sự của những giáo lý không xảy đến nhờ một sự tiếp cận thông thường, bởi lẽ càng thêm sự tiếp cận thông thường thì chỉ càng tăng thêm khuynh hướng nuôi dưỡng sự tự phụ và những cảm xúc mâu thuẫn của riêng ta. Chẳng có lợi lạc nào có thể đến từ điều đó. Chỉ khi việc giảng dạy là một hành động vô ngã để làm lợi lạc người khác được đặt nền trên một sự truyền dạy đích thực thì ta mới thực sự có lợi lạc là điều cần thiết để Giáo Pháp được hộ trì.

Nếu ta chiếu cố tới tất cả những giáo lý của Đức Phậtbao gồm mọi luận giảng về những giáo lý đó của các đại thành tựu giả vĩ đại – những pundit (học giảuyên bác của Ấn ĐộTây Tạng và những truyền thống Phật Giáo khác – thì một cá nhân đơn độc không thể nỗ lực và đưa tất cả những giáo lý đó vào thực hành. Điều này không có nghĩa là có phương diện nào đó của những giáo lý đó là vô ích và không có chức năng. Trong thế giới này, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp luân trong ba lần truyền dạy liên tiếp trong thời đại của Ngài. Trong Kim Cương thừa khi chúng ta khảo sát hàng ngàn pho sách được gọi chung là Phật Phápbao gồm 84.000 tuyển tập của những giáo lý của Đức Phật và 6.400.000 bản văn Tantra (Mật điển), thì rõ ràng là không một người đơn độc nào có thể thâm nhập và thực hành tất cả những giáo lý đó.

Khảo sát vị Thầy

Như thế điều này đưa chúng ta tới chủ đề Guru yoga. Ta hãy xem xét từ nguyên của từ ‘Lama’ trong tiếng Tây Tạng. Âm đầu tiên ‘la’ có nghĩa là ‘cái gì không thể vượt qua’ (vô song). Từ thứ hai ‘ma’ theo nghĩa đen có nghĩa là mẹ. Điều này có nghĩa là thái độ của vị Thầy thì giống như thái độ của một bà mẹ đối với những đứa con của bà. Có một hàm ý rằng mối liên hệ với Lạt ma mang theo nó rất nhiều sức nặng. Đệ tử cũng có một tiềm năng khổng lồ để được lợi lạc từ mối liên hệ đó.

Đây là lý do tại sao trong con đường thần chú bí mật của giáo lý Kim Cương thừa, điều được nhấn mạnh ngay từ lúc khởi đầu là việc vị Thầy và đệ tử khảo sát lẫn nhau thì rất quan trọng. Hẳn đó phải là một tiến trình phê phán nhờ đó người này chọn lựa người kia. Ví dụ như các Mật điển có nói rằng nếu một Lạt ma hám lợi, tham vọng, bị lệ thuộc vào những cảm xúc mâu thuẫn, tràn đầy kiêu ngạo, ganh tị hay tranh đua, thì việc một đệ tử nương tựa vào một vị Thầy như thế sẽ không thích hợp cho dù Lạt ma đó là ai. Lạt ma phải có những phẩm chất đúng đắn, kể cả phẩm tính của lòng bi mẫn. Nếu vị Thầy không có những phẩm tính căn bản này thì một Lạt ma như thế sẽ rất khó ban phước cho đệ tử – sự ban phước là điều cần thiết để mối liên hệ Thầy/trò mang lại kết quả tốt đẹp.

Trong việc khảo sát những phẩm tính của một Lạt ma, một người bình thường khó có thể đánh giá được những phẩm tính của dòng tâm thức của Lạt ma đó, đặc biệt là khi mới gặp vị Thầy này. Nhưng một yếu tố quyết định được cân nhắc là dòng truyền thừa mà vị Lạt ma hộ trì và dòng truyền đó có được duy trì với samaya thanh tịnh hay không.

Ta không thể xác định một cách đơn giản dựa vào mức độ hiểu biết của một vị Thầy để xem ông có năng lực tâm linh có thể trao truyền ân phước chân chính hay không. Nếu dòng tâm của vị Thầy không được thúc đẩy bởi một phẩm tính vị tha và bi mẫn – phẩm tính của Bồ đề tâm – mà đúng hơn bị kích động bởi một phẩm tính kiêu ngạo và những cảm xúc phiền não, thì điều đó sẽ không phải là một mối liên hệ lợi lạc cho dù vị Thầy đó rất uyên bác. Đây là bởi động lực của vị Thầy không đúng đắn.

Vì thế vào lúc đầu, điều quan trọng đối với đệ tử là khảo sát một vị Thầy tương lai. Một khi đệ tử đi tới chỗ quyết định nương tựa một vị Thầy nhất định thì không còn gì để thảo luận nữa. Quyết định đã được lập ra. Vào lúc đó điều quan trọng đối với đệ tử là nương tựa toàn tâm toàn ý nơi vị Thầy. Nếu ta trải qua tiến trình khảo sát để kiểm tra những phẩm tính của vị Thầy và quyết định rằng vị Thầy này thích hợp đối với bản thân ta, thì ta sẽ có thể duy trì một sự tôn kính và một niềm tin nơi vị Thầy.

Khi ấy, miễn là đệ tử duy trì một thái độ tin tưởng và sùng mộ đối với một Lạt ma được chọn lựa theo cách này, sẽ không đệ tử nào không được trực tiếp nhận những sự ban phước của Đức Phật trong dòng truyền thừa sống động này. Điều này thì hoàn toàn không thể sai lầm.

Đức Penor Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Guru Yoga Teaching