19657361_880690628761860_3694253271399387325_n

Bậc Thầy chính là trí tuệ và tính trong sáng của tâm

NGUỒN CẢM HỨNG THIẾT YẾU ĐỂ TU TẬP

Trước khi bước lên Kim Cương thừa, cỗ xe tối thượng, nên biết vì sao ta phải từ bỏ lối nhìn hạn hẹp phàm tình về chính mình, và làm phát sinh tự tính giác ngộ của một con người đã hoàn toàn tiến hóa. Ta phải thấy chính vì nghĩ mình thấp thỏi mà ta tiếp tục bị giam giữ trong vòng bất mãn triền miên. Chu kỳ đau khổ bất toại ấy là do ta không biết đến bản chất thuần tịnh cốt yếu của mình. Khi đã có ba yếu tố tiên quyết – tâm từ bỏ, bồ đề tâm, chánh kiến – và an trú tâm trong sáng nguyên thủy, là ta tạo được khoảng trống cho sự chuyển hóa tự thân.

Tuy nhiên hiểu biết như thế chưa đủ, ta phải phát sinh sức mạnh và niềm tin để đi theo pháp môn mãnh liệt đưa đến toàn giác. Nói cách khác ta cần một nguồn cảm hứng. Giác ngộ không chỉ là một khả tính trên lý thuyết, mà là một điều có thể chứng đạt và đã được chứng bởi những con người như chúng ta. Trong truyền thống Mật tông, nguồn cảm hứng này là bậc thầy, hướng đạo tâm linh của ta. Trọng tâm của Mật tông là hợp nhất mình với nguồn cảm hứng ấy nhờ pháp đạo sư du già.

Hiện tại chúng ta không thể nào giải quyết những vấn đề mà tâm chấp ngã của ta đã gây ra. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy những phương pháp để giúp ta thoát khỏi ngục tù bản ngã và tự đồng hóa với những thực thể giác ngộ của quá khứ, hiện tại và tương lai. Những thực thể giác ngộ ấy đã kiện toàn một trạng thái trong đó không có sự tách rời, phân biệt giữa cao và thấp; chỉ có sự bình đẳng hoàn toàn của kinh nghiệm giác ngộ. Pháp hành trì đạo sư du già chuẩn bị cho ta đi vào kinh nghiệm hợp nhất với sự thành tựu viên mãn. Nhờ xem mình với thầy là một, ta trừ được tâm tự ti như “Chư phật quá cao xa, tôi không sao sánh được.” Thay vì thế, ta tập đồng nhất bản tâm mình với tâm bậc thầy, được xem như một vị phật toàn giác.

Nhờ hành trì pháp đạo sư du già mà trí tuệ hạn cuộc của ta đi đến viên mãn. Năng lượng đại từ bi đại trí tuệ và đại phương tiện của bậc thầy gieo hạt giống trong tâm ta để ta cũng thể hiện được những đức tính tốt lành vô hạn ấy. Chính chúng ta trở thành bậc thầy, và như vậy ta cũng có thể đem lại sự giúp đỡ vô lượng và bất tận cho tất cả chúng sinh. Nếu ta không phát sinh những đức tính của một bậc thầy chân chính trong ta, thì làm sao ta có thể đem lại lợi ích rốt ráo cho bất cứ người nào ? Ta lại còn không thể tự giúp mình cho thích đáng nữa.

BẬC THẦY NỘI TÂM VÀ BẬC THẦY BÊN NGOÀI 

Những kinh điển Mật tông thường nói rằng tất cả thực chứng đều phát sinh từ bậc thầy. Điều này đúng, nhưng ta phải hiểu rằng “thầy” có hai mức độ ý nghĩa khác nhau. Bậc thầy khách quan tương đối là người chỉ cho ta bằng nhiều cách, làm thế nào để khám phá sự toàn vẹn của chính mình. Nhưng trên phương diện sâu xa hơn, bậc thầy chính là trí tuệ, tính trong sáng căn để của tâm ta.

BẬC THẦY CHÍNH LÀ TRÍ TUỆ, TÍNH TRONG SÁNG CỦA TÂM

Cùng một lời dạy, cùng một bậc thầy, mà phản ứng người nghe không ai giống ai.

Có người không hiểu giáo lý ngay cả trên bình diện tri thức; có người hiểu được nhưng không thể đi sâu vào ý nghĩa. Nhưng cũng có người vượt ngoài danh từ khái niệm, hoàn toàn hòa nhập với bi và trí của bậc thầy.

Những phản ứng ấy đều do mỗi người đạt một trình độ khác nhau về tiến hóa tri thức và tâm linh. CÀNG GIAO CẢM VỚI BẬC THẦY NỘI TÂM, NGƯỜI HỌC CÀNG THÂM HIỂU GIÁO LÝ SÂU SẮC.

Trên thực tế, vị thầy tương đối bên ngoài dù nỗ lực bao nhiêu cũng không bảo đảm cho ta đạt thực chứng. Nhưng bậc thầy bên trong, trí tuệ sáng suốt của chính ta, thì có thể hoàn thành tất cả mọi sự. Bởi thế, pháp hành trì đạo sư du già cốt yếu là một phương pháp để học cách lắng nghe tiếng nói của bậc thầy nội tâm ấy.

Thông thường, mặc dù ta có tiếng nói nội tâm của trí tuệ, nhưng ta không lắng nghe nó nói. Ta lại còn không biết đến tiếng nói ấy, vì ta luôn luôn bận nghe tiếng lải nhải của những tâm lý nhị nguyên thô trọng trong ta. Ta đã quá quen thuộc với tiếng nói này tới nỗi khi trí tuệ trực giác phát sinh, ta thường chối bỏ nó. Nhờ thực hành đạo sư du già, ta có thể đoạn tuyệt quan hệ thô thiển với thế gian để tiếp xúc với trí tuệ bẩm sinh. Khi ấy, ta còn có thể tương quan mật thiết sâu xa với bậc thầy bên ngoài. Nhưng khi mất liên lạc với bậc thầy nội tâm, thì dù giáo lý bậc thầy bên ngoài có sâu sắc đến đâu, ta cũng không bao giờ hội nhập được.

Nhưng nói thế không có nghĩa là vị thầy bên ngoài không quan trọng. Trái lại, vị ấy hết sức cần thiết. Mặc dù sự thực là giáo lý mật tông của đức Thích Ca Mâu Ni đã hiện hữu trên 2500 năm, song đối với ta, giáo lý ấy kể như không nếu ta không gặp được một bậc thầy Mật tông đủ tư cách. Khi ấy thì giáo lý Mật tông có thực đối với ta hay không? Dù chư tổ Naropa, Marpa và Tsongkapa có những lối giải thích phong phú đến đâu, ta có thể biến Mật tông thành chân lý dành cho ta không, nếu ta chưa được bậc thầy nào khai thị? Dĩ nhiên là không. Về kinh giáo cũng vậy, sự kiện đức Phật giảng giáo lý Tứ diệu đế rất lâu xa về trước cũng không làm cho giáo lý ấy là thực hữu đối với ta. Giáo lý ấy chỉ trở thành hiện thực đối với ta khi ta đã thực chứng giáo lý, nhờ gặp được một vị thầy có thể khai thị một cách sáng sủa cho ta hiểu. Nếu không có TẤM GƯƠNG SỐNG ĐỘNG VÀ CẢM HỨNG CỦA BẬC THẦY BÊN NGOÀI thì TRÍ TUỆ NỘI TÂM TA VẪN YẾU ỚT, không phát triển được.

Giáo lý giác ngộ đến với chúng ta, gây được ấn tượng trên tâm thức ta, là nhờ một hệ truyền thừa không gián đoạn giữa thầy và đệ tử tiếp nối. Bậc thầy, một thành phần của hệ truyền thừa ấy, làm cho giáo lý Tứ Diệu Đế trở thành sinh động đối với ta nhờ nguồn cảm hứng hay sự gia trì của ngài. Nhờ biết rõ tính tình, khả năng ta, nên bậc thầy có thể làm cho chân lý trở nên sáng sủa đối với ta, làm tâm ta trở thành con đường của thực chứng. Ý nghĩa của cảm hứng hay sự gia trì chỉ có thế. Và pháp hành trì đạo sư du già hay thờ kính thầy, chỉ là để cho chúng ta mở lòng ra mà đón nhận nguồn cảm hứng này.

Đức Lama Thubten Yeshe

Trích: Bậc Thầy và nguồn cảm hứng